Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị phục hồi sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

07:05 | 04/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng đã ký Chỉ thị 27 về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nội dung của Chỉ thị nêu rõ dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chỉ đạo về phòng, chống dịch. Hiện tại, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi.

Trong hội nghị với các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và UBND 28 địa phương đã nêu ra những phản ánh và kiến nghị về các khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất…

Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Công Thương

Do đó, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, dưới đây là những chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ. 

Đầu tiên, các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các địa phương cũng được yêu cầu phối hợp với Bộ Y tế để phân bổ kịp thời vaccine tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp; xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết để phục vụ đời sống người lao động; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các địa phương dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Các Bộ, ngành cơ quan trung ương được giao: 

Bộ Y tế khẩn trương ban hành các quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quy định về điều kiện sản xuất và cách thức xử lý khi phát hiện người lao động trong khu, cụm công nghiệp nhiễm COVID-19; quy định về biện pháp cách ly người tiếp xúc gần nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tổ chức phân bổ kịp thời vaccine cho các địa phương để tiêm phòng cho người lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận kịp thời nguồn cung cấp kit xét nghiệm để các doanh nghiệp chủ động về vật tư y tế trong kiểm soát phòng, chống dịch.

Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của các tập thể, cá nhân không thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lưu thông, vận tải hàng hóa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động nước ngoài được nhập cảnh và thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế. 

Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp rà soát, kịp thời hướng dẫn các chính sách, quy định về miễn giảm thuế, triển khai để ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất, tín dụng cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ.

 

Trước đó, vào ngày 25/9 Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.  

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các địa phương, lấy thêm ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời. Việc chống dịch là chưa có tiền lệ, sau khi ban hành hướng dẫn tạm thời, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nội dung nào không phù hợp thì sửa đổi. Căn cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, khoảng ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả. 

Bên cạnh đó, tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới đó là: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; bảo đảm an sinh, ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; ý thức người dân, vaccine, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; tranh thủ tối đa, coi việc thích ứng với dịch COVID-19 là động lực để phấn đấu vươn lên và thay đổi, thúc đẩy một số công việc mà lâu nay chúng ta đã làm song gặp khó khăn như chuyển đổi số, nâng cao năng lực cấp cơ sở…