Thủ tướng “đặt hàng” các Bộ trong năm 2018

21:39 | 05/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao 5 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.

Thủ tướng “đặt hàng” các Bộ trong năm 2018 - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao 5 Bộ chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Ảnh: Internet

Đặc biệt, theo Quyết định số 01/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP 33-34%, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 88%.

Bộ Công Thương được giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 như sau: Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8-10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mục tiêu này là phù hợp nhưng quan trọng hơn tăng trưởng phải có tính bền vững. Vì tất cả mọi thứ chúng ta chỉ là gia công, mặc dù GDP cao nhưng giá trị thật của Việt Nam lại không được bao nhiêu. Vậy muốn nền kinh tế bền vững thì phải phát triển chính doanh nghiệp trong nước và đầu tư ra nước ngoài. Tức là tiền của người Việt Nam, chủ là người Việt Nam, mang lại giá trị mới cho người Việt Nam đó mới là bền vững".

Có thể đạt được mục tiêu

Còn theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế Việt Nam hiện đang rất mở nên sẽ phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới.

Trong khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ. Các ngành này trong năm 2018 có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá sẽ không mạnh mẽ như năm 2017. Chính vì thế, mục tiêu tăng trưởng 2018 là 6,7% có thể thấy sự thận trọng nhất định và có thể đạt được mục tiêu này.

Bình luận về tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, lạm phát năm 2018 sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công và giá thực phẩm. Giá dịch vụ công năm 2018 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020, nên được dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể, tương đương năm 2017, khoảng 2-2,5 điểm %. Trong khi đó, giá thực phẩm thịt lợn 2017 giảm chủ yếu do dư cung.

Do vậy, nhiều khả năng năm 2018 giá thực phẩm sẽ phục hồi khi nguồn cung thịt lợn giảm do ngành chăn nuôi có những điều chỉnh tác động không nhỏ đến lạm phát năm 2018.

Ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát từ năm 2017 sang năm 2018 không lớn, do hệ số thâm dụng tín dụng trong năm 2017 ước đạt 2,04 lần, giảm so với mức 2,81 lần của năm 2016. Giá hàng hóa thế giới sẽ không gây áp lực nhiều lên lạm phát do dự báo ít biến động trong năm 2018 và giá dầu được dự báo chỉ tăng nhẹ 6% so với mức tăng 24% của năm 2017.

Dựa vào những nhân tố nêu trên, PGS, TS. Ngô Trí Long dự báo, lạm phát năm 2018 sẽ tiếp tục ở mức thấp, khoảng 4% trong các năm 2018 và năm 2019.

Xuất khẩu vẫn phải đối diện với bảo hộ

Với Bộ Công Thương, để có thể hoàn thành được chỉ tiêu Thủ tướng giao trong năm 2018, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước hết, từ Trung ương đến địa phương, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp Nhà nước, trong đó, phải lấy tiêu chí về năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệu quả trong đầu tư làm thước đo cuối cùng.

Thêm một giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra là đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển thị trường trong nước, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

“Lực lượng Quản lý thị trường với mô hình tổ chức, quản lý mới theo chiều dọc sẽ cùng với các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với những hành vi gian lận thương mại”, Bộ trưởng nói và đưa ra giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế bằng những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để tạo dư địa mới cho hàng hoá Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch thì bình luận, mặc dù xuất khẩu tăng cao, nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối diện với chủ trương bảo hộ mậu dịch dưới nhiều hình thức. Sản phẩm trong nước vẫn chưa bảo đảm uy tín trên thị trường xuất khẩu, cần kiểm soát, chặt chẽ hơn nữa. Nhiều doanh nghiệp còn hám lợi, làm ăn gian dối, mất uy tín, như câu chuyện về Khaisilk chẳng hạn. Chúng ta phải nỗ lực để giảm thẻ vàng về xuất khẩu hải sản sang châu Âu, nếu không làm tốt sẽ rất khó khăn… là những rào cản làm cho mục tiêu xuất khẩu có thể gặp bất lợi trong năm 2018.

theo Diễn đàn Doanh nghiệp