Thủ tướng đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7

15:53 | 20/05/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tại Hội trường Diên Hồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 và những giải pháp trọng tâm về phục hồi, phát triển kinh tế, trong đó có nội dung đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở từ 1/7.

Thủ tướng đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7 - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội, sáng 20-5-2020. Ảnh: QUOCHOI 
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiệm vụ khôi phục và phát triển đất nước đòi hỏi phải đánh giá đúng tình hình, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, giải pháp thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và khả thi.

So với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Do đó, trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện; để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương; với nỗ lực phấn đấu cao, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó  có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách nhà nước (NSNN), bội chi NSNN, nợ công. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển, trong đó xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới: Cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn. Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn). Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đặc biệt, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Thủ tướng đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7 - ảnh 2
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, sáng 20-5-2020. Ảnh: QUOCHOI 
Theo kế hoạch, nguồn chi tăng lương vào khoảng hơn 60.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trong năm 2019.

Vào tháng 1/2020, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với mức điều chỉnh tăng thêm 7,38% từ ngày 1/7/2020.

Bộ Nội vụ cho biết, tuy điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 86/2019/QH14 trong đó quy định “Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020”.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng mới đạt 42,39% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2019 (3,515 triệu đồng/tháng) và đạt 40,16% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2020 (3,71 triệu đồng/tháng), dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.

Theo Bộ Nội vụ việc xây dựng Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở là cần thiết để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, đó là nhận định vào thời điểm kinh tế Việt Nam chưa bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 như hiện nay.