Thủ tướng đề nghị thành lập Diễn đàn đối tác công-tư rộng mở ứng phó với BĐKH
Sáng 23/1 (theo giờ địa phương), ngay sau khi đến Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự các sự kiện đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 (WEF Davos 2019).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận với chủ đề “Cuộc gặp các nhà lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương.” Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận nhiều nỗ lực trong quản trị biển và đại dương. Thủ tướng cũng cho rằng lĩnh vực này rất cần phải có những đột phá, nhất là huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực để ứng phó với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và hỗ trợ cho các quốc gia bị tác động nặng nề nhất.
Thủ tướng đề nghị thành lập “Diễn đàn đối tác công-tư rộng mở về ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển” để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn lực và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường biển.
Với môi trường siêu kết nối trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội phát triển cho nhiều lĩnh vực, trong đó có bảo vệ biển - đại dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới phối hợp với các đối tác nghiên cứu, thúc đẩy hình thành Mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương; hoan nghênh cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.
Việt Nam coi trọng hệ thống thương mại đa phương
Bên lề Hội nghị WEF Davos 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính sách nhất quán luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Nepal. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao; thúc đẩy sớm ký Thỏa thuận miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước sang tìm hiểu thị trường đầu tư trong lĩnh vực Nepal có nhu cầu như viễn thông, năng lượng, hạ tầng…và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thực phẩm, dệt may, da giầy, điện tử...
Thủ tướng Sharma Oli chúc mừng Việt Nam về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua cũng như vai trò ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; khẳng định Chính phủ Nepal sẽ tiếp tục chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư kinh doanh tại Nepal.
Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên hệ thống các nguyên tắc và luật trong khuôn khổ WTO; nhấn mạnh sau hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm cao.
Tổng Giám đốc WTO bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội mọi mặt của Việt Nam; cảm ơn sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của Việt Nam trong hệ thống thương mại đa biên. Ngài Roberto Azevedo khẳng định WTO sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nhân lực về hội nhập, thương mại quốc tế.
Cung trong ngày 23/1, Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo các Tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như Apple, Adidas, AB Inbev, Procter & Gamble, Carlsberg, Facebook và Sanofi.
Thủ tướng nhấn mạnh việc tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài vào quá trình cổ phần hóa của của các tổng công ty, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực; đề nghị các doanh nghiệp góp tiếng nói chung thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA, mở ra những cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, cũng như tăng cường hợp tác phát triển các ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp này có thế mạnh.
Được biết, trước thềm WEF Davos 2019, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Brussels, tiến sĩ Pierre Groning, Giám đốc phụ trách chính sách thương mại của Hiệp hội Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (Amfori) - đã đánh giá cao những đóng góp ngày càng quan trọng của Việt Nam tại diễn đàn này trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Theo ông Groning, Việt Nam là một nước phụ thuộc lớn vào ngoại thương - tổng kim ngạch xuất nhập khẩu theo tỷ lệ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 200%. Điều đó cho thấy Việt Nam là một nước mạnh về thương mại.
Ông cho rằng Việt Nam là một nước hấp dẫn đầu tư. Việc đưa ra một thông điệp chắc chắn về toàn cầu hóa khi tham gia các cuộc đàm phán ký kết Hiệp định CPTPP, cũng như đàm phán về Hiệp định EVFTA chính là những tín hiệu gửi đến các nhà đầu tư rằng Việt Nam muốn tham gia vào quá trình toàn cầu hóa cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy nhiên, Việt Nam cần duy trì sự đảm bảo vững chắc trong việc hợp tác giữa các nhà nước để có thể truyền tải thông điệp cho thấy các doanh nghiệp thương mại của Việt Nam đang hoạt động trong điều kiện tốt nhất. Đồng thời, cần phải sản xuất các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Doanh nghiệp cũng cần nhận thức rằng giá nhân công tại Việt Nam sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, và lúc đó các nhà đầu tư có thể sẽ lại lựa chọn các địa chỉ khác như Bhutan, Nepal hay các nước châu Phi. Do đó, Việt Nam cần phải quyết định và điều chỉnh sự phát triển một cách tích cực để không làm mất đi niềm tin mà mình đã tạo dựng được cho tới nay.