Thủ tướng: Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản tạo xung lực và khí thế mới
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 và chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư Mekong-Nhật Bản, Tọa đàm với các doanh nghiệp hạ tầng hàng đầu Nhật Bản và Tọa đàm với các tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản.
Tại các sự kiện trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư cũng như tiềm năng hợp tác to lớn giữa các nước khu vực Mekong và Nhật Bản.
Việt Nam - cơ hội của các tập đoàn đa quốc gia
Thông tin với các doanh nghiệp Mekong, Nhật Bản về Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực có nhiều yếu tố bất ổn, phức tạp, Việt Nam vẫn duy trì môi trường chính trị xã hội ổn định, cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Đặc biệt, Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa thương mại quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết CCPTPP, tiến gần đến RCEP và cùng là những quốc gia tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
"Việt Nam là cơ hội của các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa, làm mới và tạo ra sự khác biệt. Quy mô dân số tiệm cận 100 triệu dân, nhưng Việt Nam có dân số trẻ, tuổi trung bình là 31, đa phần được đào tạo tốt, khéo léo và có khả năng thích ứng cao”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu và dự kiến đạt mức 33 triệu người, tương đương 33% dân số vào năm 2022. Hiện tại có 70% thuê bao di động tại Việt Nam đang sử dụng 3G hoặc 4G. 72% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người. Tỉ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%.
Tháng 9/2018, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN với chủ đề: “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4." Đây là Hội nghị WEF về ASEAN thành công nhất trong 27 năm tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp và nhiều Lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả 5 nước Mekong và Nhật Bản.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút gần 26.500 doanh nghiệp FDI từ 127 quốc gia, đối tác, với số vốn cam kết trên 330 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản như Canon, Fujitsu, Toyota, Honda...
“Theo báo cáo JETRO tháng 2/2018, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kinh doanh có lãi, khoảng 70% có kế hoạch 'mở rộng hoạt động. Kỳ vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc Nhóm G20", Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam xây dựng Chính phủ liêm chính kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Việc thực hiện các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA thế hệ mới làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và mở ra cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn của thế giới.
Đánh giá cao trình độ quy hoạch, xây dựng đô thị của Nhật Bản, Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư phát triển bất động sản và hạ tầng ở Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam nhất quán thúc đẩy hội nhập, liên kết kinh tế; xây dựng những chính sách quyết liệt nhằm tạo điều kiện tốt nhất và bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, xây dựng các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu; sử dụng lợi thế về công nghệ tham gia phát triển các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng mới; tham gia tiến trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống tài chính và ngân hàng của Việt Nam, trong đó, Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư mua lại các ngân hàng yếu kém để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Thủ tướng nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên về chất lượng của các dự án đầu tư hơn là số lượng."
Các doanh nghiệp tài chính Nhật Bản bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế trong năm 2018 của Việt Nam, đặc biệt là sự ổn định kinh tế vĩ mô; đánh giá cao sự điều hành và những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về thể chế, cơ chế và cắt giảm thủ tục hành chính.
Đồng thời, nêu nhiều câu hỏi về quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, các kế hoạch phát triển hạ tầng của Chính phủ và các ưu tiên đầu tư cụ thể trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo.
Nâng cấp hợp tác Mekong-Nhật Bản đặt cơ sở cho sự phát triển tương lai
Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Mekong-Nhật Bản với chủ đề "Trung tâm chuỗi giá trị khu vực Đông Nam Á năng động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, khu vực sông Mekong đã và đang thay đổi nhanh chóng trong cả hai khía cạnh “cứng và mềm”.
Nằm ở trung tâm châu Á phát triển năng động, khu vực Mekong đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình. Các nước Mekong đã thống nhất Tầm nhìn về một khu vực phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng, phát triển bền vững, bao trùm.
Phát biểu tại họp báo về Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các bên đã trao đổi hết sức chân thành thẳng thắn về những thành công, bài học kinh nghiệm cũng như những cơ hội và thách thức của các nước thành viên phải đối mặt trong môi trường phát triển biến động không ngừng. Từ đó thống nhất hướng đi cho hợp tác giữa 6 nước trong giai đoạn tới.
Các bên đánh giá hợp tác chung Mekong-Nhật Bản đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thập kỷ qua, giúp mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước Mekong, đem lại nguồn lợi về phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân vì mục tiêu hướng về người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng nhấn mạnh với hàng trăm dự án được triển khai thành công, hợp tác Mekong-Nhật Bản đã khẳng định vị trí là một trong những cơ hội hợp tác thiết thực và hiệu quả hàng đầu ở khu vực Mekong.
Những thành công này có được một phần quan trọng là nhờ sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ và người dân Nhật Bản dành cho các nước Mekong nói chung, trong đó có Việt Nam.
Theo Thủ tướng, Hội nghị đã nhận định trong môi trường phát triển có nhiều biến động, việc tăng cường kết nối kinh tế Nhật Bản và Mekong mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác nhiều mặt là thực sự cần thiết vì lợi ích chung của tất cả các bên.
Chính vì vậy, quyết định nâng cấp hợp tác Mekong-Nhật Bản là hoàn toàn phù hợp, vừa phản ánh được nội dung và mục tiêu của mối quan hệ, đồng thời đặt cơ sở cho sự phát triển của hợp tác trong tương lai.
Thủ tướng tin tưởng những định hướng hợp tác quan trọng của Chiến lược Tokyo 2018 vừa được Hội nghị thông qua sẽ tạo ra xung lực và khí thế mới hợp tác Mekong-Nhật Bản.
Lãnh đạo các nước cũng khẳng định quyết tâm chung cùng nhau triển khai hiệu quả các chương trình dự án trong cả ba trụ cột.
Hội nghị lần này cũng khẳng định sự cần thiết phải tăng cường phối hợp các khung hợp tác toàn cầu khu vực và tiểu vùng. Điều này xuất phát từ nhận thức rằng hợp tác Mekong-Nhật Bản sẽ mạnh mẽ hơn, thành công hơn khi kết hợp tiềm năng và thế mạnh của mình với những cơ chế hợp tác có cùng mục tiêu và tầm nhìn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hợp tác Mekong-Nhật Bản và đánh giá cao vai trò của Nhật Bản ở khu vực vì mục tiêu hội nhập phát triển bền vững bao trùm thịnh vượng, hòa bình.
“Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong xây dựng hợp tác ngày càng thành công đáp ứng đúng mong mỏi của các nước thành viên góp phần đóng góp và hòa bình thịnh vượng chung của khu vực,” Thủ tướng khẳng định.