Thủ tướng: Mong muốn Nhật Bản phát huy vai trò đối tác vì “phát triển chất lượng cao” ở Mekong
Dự kiến, hôm nay (8/10), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tiếp đó, hai Thủ tướng dẫn đầu đoàn cấp cao hai nước tiến hành hội đàm; chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác.
Thủ tướng cũng sẽ tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật-Việt Nikai Toshihiro; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo và tham dự Phiên họp cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 10; cùng lãnh đạo các nước yết kiến Nhật Hoàng; tham dự Diễn đàn đầu tư Mekong-Nhật Bản và gặp gỡ lãnh đạo Quốc hội Nhật Bản.
Trong chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản, như làm việc với Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản Keidanren; tọa đàm với các doanh nghiệp bất động sản của Nhật Bản; dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư Việt Nam; tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản...
Trước thềm chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản.
Đánh giá về vai trò của Nhật Bản trong việc thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực sông Mekong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh riêng trong khuôn khổ Mekong-Nhật Bản, hàng trăm dự án hợp tác với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đôla Mỹ đã được triển khai thành công, giúp các nước Mekong phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm nghèo... Nhật Bản đã có nhiều hỗ trợ cho quá trình xây dựng và phát triển các tuyến hành lang kinh tế nội khối Mekong như Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam.
Thủ tướng mong muốn Nhật Bản tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là đối tác vì “phát triển chất lượng cao” ở khu vực Mekong, phát huy tối đa mối quan hệ tương hỗ giữa thế mạnh của Nhật Bản về công nghệ, tài chính với lợi thế của khu vực Mekong về tốc độ tăng trưởng, thị trường và lao động.
“Hợp tác Mekong-Nhật Bản cần đặc biệt ưu tiên tăng cường 3 kết nối đã được thống nhất về hạ tầng giao thông, năng lượng; kết nối hạ tầng mềm về thể chế, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và kết nối con người gắn với kết nối số để tạo hiệu quả tổng hợp cao. Tập trung hợp tác hiện thực hóa tầm nhìn chung về một Mekong xanh thông qua các chương trình, dự án về quản lý sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững và hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Trong quá trình này, Chính phủ các nước khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và Mekong”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định việc tham gia CPTPP một lần nữa thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về tiếp tục đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, chủ động và tích cực tham gia định hình các khuôn khổ hợp tác và liên kết kinh tế khu vực vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bao trùm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời mở ra tiềm năng hợp tác rộng lớn về kinh tế-thương mại trong quan hệ với nhiều đối tác chiến lược quan trọng, trong đó có Nhật Bản.
Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 06 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định sớm đi vào triển khai. Theo đó Quốc hội dự kiến sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sắp tới, tháng 10-tháng 11/2018.
Về khả năng mở rộng CPTPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của các nước đối tác (như Anh, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc), tuy nhiên theo quy định, việc mở rộng sẽ được xem xét trên cơ sở đồng thuận chung và sau khi CPTPP đi vào triển khai. Vì vậy, trước mắt Việt Nam cùng các nước thành viên tập trung hoàn tất phê chuẩn để sớm triển khai Hiệp định và xem xét các đề nghị này sau đó.