Thủ tướng Nhật Bản sẽ gặp Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng, bàn cách đối phó Trung Quốc

16:51 | 16/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự kiến ngày 16/4 (theo giờ Mỹ), Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Đây là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Mỹ từ khi ông Biden lên nắm quyền.
Báo Nikkei đưa tin trong ngày 15/4, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khởi hành từ sân bay Haneda trên chuyên cơ của Nhật Bản cùng với phái đoàn khoảng 80 người. Thủ tướng Suga sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. 
 
Đây là chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tới Mỹ kể từ khi nhậm chức và chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông sau chuyến công du Việt Nam hồi cuối năm ngoái.
 
Kết thúc hội đàm, lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ thông qua tuyên bố chung và có cuộc họp báo chung.
 
Thủ tướng Nhật Bản sẽ gặp Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng, bàn cách đối phó Trung Quốc - ảnh 1
Đài NHK của Nhật Bản đưa tin về chuyến công du của Thủ tướng Suga tới Mỹ

Phát biểu với các phóng viên trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Suga, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói: "Cuộc gặp này rất có ý nghĩa bởi nó chứng tỏ với thế giới sự đoàn kết của liên minh Nhật-Mỹ và cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... Chúng tôi cũng hy vọng cuộc gặp là cơ hội quý báu để hai lãnh đạo làm sâu sắc hơn quan hệ tin cậy cá nhân".
 
Theo giới phân tích, nhiều khả năng trong cuộc gặp này, Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden sẽ đạt được các thỏa thuận nhằm tăng cường liên kết kinh tế và an ninh, tăng cường hợp tác để đối phó các thách thức an ninh đang nổi lên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, hiện thực hóa sáng kiến xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, chống biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng chuỗi cung ứng không phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ quốc gia nào.
 
Theo Reuter, hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ bàn bạc về vấn đề của Trung Quốc với người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương và ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc đối với đặc khu Hồng Kông. Dự kiến, Nhật Bản công bố khoản đầu tư 2 tỷ USD vào hệ thống mạng viễn thông 5G để chống lại sự bành trướng của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies.
 
Một vấn đề khác liên quan đến Trung Quốc được cho là mối quan tâm chung của Mỹ - Nhật là đảo Đài Loan. Một số nhà phân tích cho rằng có lẽ vấn đề đáng quan ngại nhất đối ông Suga là việc Nhà Trắng muốn thúc đẩy tiến tới một tuyên bố chung trong đó có nội dung ủng hộ Đài Loan.

Lần cuối cùng vấn đề Đài Loan được đề cập trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật là năm 1969. Tuy nhiên, các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai bên đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan" trong cuộc họp 2 + 2 tại Tokyo hồi tháng trước.
 
Trong một tuyên bố sau cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ-Nhật Bản vào tháng 3, hai bên "nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan" và chia sẻ "mối quan ngại nghiêm trọng" về nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.
 
Về phía Mỹ, nhiều ý kiến nhận định ông Biden có thể sẽ muốn Nhật cùng tham gia với Mỹ, Canada, Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) - những quốc gia đã áp lệnh cấm vận với nhiều quan chức Trung Quốc cũng như lãnh đạo quân đội Myanmar. Trong khi đó, Tokyo được cho là muốn duy trì quan hệ cũng như ảnh hưởng với Bắc Kinh và Naypyidaw.
 
Giới phân tích cho rằng, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu tại Washington. Ông Suga đã đặt ra cho Nhật Bản mục tiêu là không phát thải carbon vào năm 2050 khá tương đồng với mục tiêu của Mỹ.

Kể từ khi nhậm chức hồi cuối tháng 1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trương củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác thân cận trên toàn thế giới trong đó có Nhật Bản, một trong những đồng minh gần gũi nhất của Mỹ ở châu Á.
 
Trước chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Mỹ cũng đã có một loạt các cuộc tiếp xúc với Nhật Bản bao gồm chuyến thăm Nhật của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Chuyến công du đầu tiên chính quyền Biden ở cấp Bộ trưởng được coi là một phần trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng và trấn an đồng minh về vai trò của Mỹ ở châu Á.
 
 
Hà Ly