Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
Cụ thể, chức danh trong Tổ công tác gồm: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ phó thường trực là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng 2 Tổ phó khác: Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khải sẽ làm Tổ trưởng. Ảnh: Báo Chính phủ
Các thành viên trong Tổ là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổ công tác có thể mời thêm lãnh đạo một số cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn tùy thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là gì?
Quyết định 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ Tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Tổ công tác được yêu cầu chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, có tính chất liên vùng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Dịch bệnh kéo dài suốt nhiều tháng khiến các doanh nghiệp dần "kiệt sức". Ảnh minh họa: Báo Chính phủ
Công việc tiếp theo được đề cập là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.
Đề xuất hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cấp có thẩm quyền. Trợ giúp Thủ tướng theo dõi, đốc thúc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Tổ công tác được quyền yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó. Mời và làm việc với lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
Tổ công tác làm báo cáo lên Thủ tướng định kỳ hàng tháng, 3 tháng hoặc đột xuất theo quyết định của Tổ trưởng Tổ công tác hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả, tiến độ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Khó khăn của doanh nghiệp và người dân trong mùa dịch
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì dịch bệnh bùng phát liên tục khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 7 tháng đầu năm 2021 chứng kiến 79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lo ngại hơn là nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang rút lui khỏi thị trường. Nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có quy mô vốn 20-50 tỉ đồng tăng 45,3%, quy mô vốn 50-100 tỉ đồng rút lui tăng 23,4%, quy mô vốn trên 100 tỉ đồng rút lui tăng 32,3%.
Cơ quan đầu ngành kế hoạch và đầu tư của Việt Nam nêu ra 5 nhóm khó khăn lớn mà người dân, các doanh nghiệp phải đối mặt do tác động của dịch bệnh mà Tổ công tác của Thủ tướng cần xử lý.
Đầu tiên là thiếu hụt dòng tiền, hầu hết các doanh nghiệp đều phản ánh lại bởi nhu cầu thị trường, đơn hàng, doanh thu đều sụt giảm mạnh. Từ đó khiến dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng, hệ quả là khối doanh nghiệp gặp khó trong chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn cho người lao động.
Giờ đây, các doanh nghiệp đang gặp khó trong vấn đề trả lãi vay ngân hàng, nợ xấu tăng, khó tiếp cận khoản vay mới trong khi phải gánh chi phí thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong thời gian tạm ngưng hoạt động.
Thứ hai, giá thành sản xuất tăng cao bắt nguồn từ chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng trong khi giá bán giảm.
Thứ ba, DN gặp vấn đề trong lưu thông hàng hóa giữa các địa phương từ phương án kiểm soát phòng dịch không thống nhất trên cả nước. Hoạt động vận tải hàng hóa hết sức căng thẳng trong thời gian qua, đặc biệt trên các tuyến ra cảng biển.
Thứ tư, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh tại các khu, cụm công nghiệp chưa có giải pháp, chính sách phòng, chống dịch hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó còn là tình trạng một số tỉnh, thành áp dụng cứng nhắc khiến nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, hàng trăm ngàn lao động phải tạm dừng sản xuất, gây thiệt hại lớn.
Cuối cùng, doanh nghiệp và người dân đang vướng mắc trong tiếp nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ còn khó khăn. Điều kiện tiếp nhận một số chính sách hỗ trợ quá chặt chẽ, thủ tục triển khai và công tác xác lập hồ sơ hỗ trợ, chi trả cho người dân bị ảnh hưởng còn chậm.
Duy Anh (t/h)
Xem thêm: Người lao động `3 tại chỗ` tại TP.HCM được hỗ trợ bữa ăn bao nhiêu tiền?