Thủ tướng yêu cầu cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi

18:16 | 04/03/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 4/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, hiện có nguy cơ lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 26/2/2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 3/3/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh.

Ở nước ta, theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, từ ngày 1/2 - 3/3/2019, bệnh xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Cục Thú y cho biết, hiện nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường là rất lớn. Theo nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch đã chỉ ra rằng 3 nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Thủ tướng yêu cầu cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi - ảnh 1
 Thủ tướng yêu cầu cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi.
Tại Hội nghị trực tuyến, trước tình hình cấp bách của dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện “5 không”, lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm chống dịch. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, khẩu hiệu đặt ra là: Chống dịch như chống giặc, huy động mọi nguồn lực xử lý dịch đã xâm nhập vào 7 tỉnh ở Việt Nam. Dẫn dắt từ bài học nước láng giềng Trung Quốc đã thực hiện dập dịch tới 90%, Thủ tướng khẳng định đây là bài học cho Việt Nam: “Nếu chúng ta làm tốt, kịp thời hơn, thì dịch không lan rộng ở Việt Nam”,
Thủ tướng đặc biệt yêu cầu từng bộ ngành, từng địa phương “xắn tay” thực hiện quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng, bởi rõ ràng nếu không kiểm soát được dịch bệnh thiệt hại cho ngành chăn nuôi, cho hơn 14 triệu nông hộ và các vấn đề môi trường sẽ là rất lớn.
“Tôi yêu cầu vừa tuyên truyền, vừa yêu cầu người chăn nuôi thực hiện 5 không gồm không giấu dịch, không mua bán, không giết mổ, mua bán lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng , trên thực tế, đặc điểm nuôi lợn ở Việt Nam khác các nước, chúng ta có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, chiếm 49% tổng đàn lợn và trên 10.000 trang trại. Thịt lợn chiếm 70% sản phẩm thịt các loại. Do đó, không có biện pháp mạnh thì dịch sẽ lây lan. Các địa phương, các Bí thư, Chủ tịch phải xắn tay vào. Đồng thời yêu cầu hệ thống chính trị các cấp, ngành, thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 04 của Chính phủ.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về việc này. Bộ Tài chính kịp thời giúp đỡ các địa phương trong khâu thanh toán, bộ TT&TT chủ động công tác thông tin tới người dân, giúp dân nhận thức, nắm rõ tình hình. Bộ NN&PTNT cung cấp đủ hoá chất. Cục Thú y phải có giải pháp sát thực cho từng địa phương. Người đứng đầu Chính phủ quyết liệt yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, các địa phương phải giao ban ngay, quyết liệt không để dịch lây lan.
Định hướng phương pháp tổ chức thực hiện, Thủ tướng nêu rõ, giao kinh phí hỗ trợ cho địa phương tổ chức thực hiện, tự chịu trách nhiệm là tốt nhất. Phải nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, để tránh tình trạng “tiêu hủy 5 con lợn thì khai 8 con, không có dịch mà nói có dịch”. Bên cạnh đó, cần giám sát thực hiện để bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách.