Thừa tiền mặt, Hòa Phát sẽ đầu tư vào bất động sản
Đầu tư bất động sản, không chia cổ tức
Đại hội cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát sáng 24/5 diễn ra sôi động khi ông Trần Đình Long, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) sẵn sàng trả lời hầu hết câu hỏi của cổ đông. Một trong những vấn đề nóng là cổ đông mong muốn tập đoàn đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực bất động sản và chia cổ tức.
Nói về bất động sản, ông Trần Đình Long nhấn mạnh công ty đặt mục tiêu là vào nhóm 3 công ty bất động sản lớn nhất trên thị trường và đang tích cực triển khai các dự án để tiến tới mục tiêu này. Tuy nhiên, doanh nghiệp không vội vàng để đạt mục tiêu đó.
Cách làm của Hòa Phát trước kia là đi theo trao lưu chung: Mua đất, mua dự án để triển khai. "Chúng tôi chưa mua dự án nào lại là may mắn. Bởi như mọi người biết, nhiều công ty phát hành trái phiếu quá dễ dàng, nguồn tiền sẵn nên đổ xô mua dự án, khiến giá bất động sản lên rất cao", ông Long nói.
Do đó, Chủ tịch Hòa Phát cho biết chiến lược của doanh nghiệp là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án.
"Triển vọng của lĩnh vực bất động sản là tốt đẹp vì chúng tôi làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn", ông Long nhấn mạnh.
Nói về dự án khu đô thị Hòa Phát ở Phố Nối (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên), ông Long cho biết doanh nghiệp đang "mong ngày mong đêm" để ra sản phẩm, nhưng do thủ tục pháp lý chưa xong, chính sách thay đổi nên chưa thể làm theo kỳ vọng. Dự án vốn làm trên lô đất được đối ứng trong một dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, khi chính sách thay đổi, thủ tục pháp lý của dự án đang cần thêm thời gian để hoàn thành.
"Hòa Phát rất mong thực hiện dự án đó, nhưng trình tự thủ tục chưa xong nên chưa thể mở bán", ông Long nói.
Liên quan đến việc không chia cổ tức, ông Long cho biết "cơm không ăn thì gạo vẫn còn". Hòa Phát sẽ chia cổ tức 35%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 30% là bằng cổ phiếu. Doanh nghiệp cần đảm bảo yếu tố tài chính, nếu chia quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững.
Về tỷ lệ chia cổ tức năm nay, bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính Hòa Phát, cho biết hiện lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính công ty mẹ là hơn 17.000 tỷ đồng, có thể chia ở mức tối đa 38%. Tuy nhiên, vốn công ty mẹ Hòa Phát hiện quá thấp so với các công ty thành viên, vì vậy, mức cổ tức tối đa năm nay chỉ có thể là 35%.
Giám đốc Tài chính Phạm Thị Kim Oanh việc giảm chia cổ tức giúp doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ từ 44.000 tỷ lên 58.000 tỷ vào cuối năm nay.
Hiện mức đầu tư của Hòa Phát vào các công ty con vào khoảng 63.000 tỷ, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 44.000 tỷ. Để hoàn thành dự án Dung Quất 2 vào cuối 2024 và đầu 2025, riêng Dung Quất vốn đã cần 70.000 tỷ. Do đó, các năm tiếp theo Hòa Phát sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ.
Nói về thị trường thép, ông Long đánh giá chiến tranh Nga - Ukraine làm giá nguyên liệu tăng cao, đặc biệt là than cốc. Trong khi đó, cầu thị trường Trung Quốc giảm mạnh do chiến lược "zero Covid". Trong khi đó, Trung Quốc tiêu thụ 60% thép của thế giới. Hiện xuất khẩu thép của Hòa Phát chiếm 30% sản lượng. Trong tương lai, doanh nghiệp sẽ đưa về mức 10-15% để đảm bảo sự ổn định, không phụ thuộc vào bên ngoài.
Cuối cùng, ông Trần Đình Long nhấn mạnh đầu tư cổ phiếu Hòa Phát thì phải nhìn xa, không thể "sáng mua chiều gặt". Ông tin tưởng chặng đường dài phía trước mua cổ phiếu doanh nghiệp này thì thì không thể lỗ được. "Thực tế chứng minh người theo lâu dài thì không lỗ, mà lời thì lời rất nhiều", ông Long nói.
Cổ phiếu bị gọi là 'giấy lộn'
Trước đòi hỏi của cổ đông, ông Trần Đình Long, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Hòa Phát nói: "Tôi là cổ đông lớn nhất, tâm huyết nhất, nên nếu nói về tâm huyết trước sau như một thì trên thị trường chứng khoán tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát.
Sáng nay, tôi đến đây tâm trạng rất buồn. Ban truyền thông đã gửi cho tôi các ý kiến của nhà đầu tư, đòi hỏi phải chia hết lợi nhuận, rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là "giấy lộn". Tôi cảm ơn sự góp ý của các cổ đông ở đây ngày hôm nay mang tính chất xây dựng, còn nếu góp ý như trên diễn đàn thì khó cho tôi quá".
Ông Long cũng gửi thông điệp rằng, Hòa Phát có 161.000 cổ đông, lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông coi đây là minh chứng về uy tín của tập đoàn với hơn 30.000 nhân viên.
Ông nói: "Trong nhiều lần họp HĐQT, tôi từng phát biểu nếu dừng lại thì chúng ta sẽ chết, đối thủ cạnh tranh sẽ vượt qua. Ý nghĩa của từ "không dừng lại" còn được hiểu là ngoài những gì chúng ta đã có, chúng ta sẽ vươn tầm khu vực, sẽ làm dự án Dung Quất 2 đạt 14,5 triệu tấn thép. Hiện nay, ban nghiên cứu phát triển tập đoàn đang nghiên cứu các dự án thép nữa. Đắk Nông là một trong những dự án chúng tôi nghiên cứu. Hòa Phát sẽ không dừng lại".
"Để vươn lên một tầm mới, chúng ta cần rất nhiều vốn", ông Long chia sẻ với các cổ đông. Dự án thép Dung Quất 2 có vốn cố định là 70.000 tỷ đồng, vay ngân hàng 35.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2021 và kế hoạch năm 2022 của Tập đoàn Hòa Phát, dịch COVID-19 dường như không ảnh hưởng tới kinh doanh của tập đoàn này. Doanh thu hợp nhất năm 2021 của tập đoàn đạt 150.865 tỷ đồng (tăng 65%), lợi nhuận sau thuế đạt 34.521 tỷ đồng (tăng 55,6%) so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp ngân sách của tập đoàn năm 2021 đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Ba địa phương Tập đoàn Hòa Phát đóng góp ngân sách nhiều nhất là Quảng Ngãi, Hưng Yên và Hải Dương.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, Hòa Phát tiếp tục bơm vốn đầu tư xây dựng khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và nhiều dự án bất động sản đô thị tại một số địa phương trên cả nước.