Thực hiện “3 tại chỗ”: Doanh nghiệp cần làm gì để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid – 19

16:14 | 30/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tình trạng nhiều nhà máy thực hiện phương án “3 tại chỗ” có ca dương tính với Covid – 19, tốc độ lây lan nhanh khiến nhiều doanh nghiệp bị động, lo lắng, muốn dừng hoạt động sản xuất để đảm bảo an toàn.

Nhiều nhà máy có ca F0 khi thực hiện “3 tại chỗ”

Phương án sản xuất "3 tại chỗ" được áp dụng tại các nhà máy đã xuất hiện những “nguy cơ”  nhiễm Covid – 19 khi một số doanh nghiệp đã công bố các ca dương tính trong nhà máy. Nhiều doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất để đảm bảo an toàn hoặc lên phương án diễn tập nhằm chủ động với nguy cơ này.

Ngày 28/7, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) thông báo đã phát hiện 43 ca nhiễm Covid-19 (ca F0). Các ca nhiễm F0 tập trung chủ yếu tại các bộ phận thu mua và cung ứng, bộ phận tiếp nhận nguồn heo hơi. Như vậy rủi ro về việc lây nhiễm vẫn có thể xảy ra trong nhà máy nếu biện pháp tuân thủ quy định phòng dịch không được chặt chẽ.

Trước đó, ngày 21/7, Công ty TNHH Estec Vina ở Khu công nghiệp VSIP 1 (TP Thuận An) cho 1.700 công nhân ăn ở và làm việc tại nhà máy, sau khi xét nghiệm ghi nhận 136 người dương tính, sau đó Nhà máy bị phong tỏa, ngừng hoạt động để phục vụ truy vết. Công ty EstecVina là một trong 18 doanh nghiệp ở Khu công nghiệp VSIP thực hiện "3 tại chỗ", phát hiện ca nhiễm, phải dừng sản xuất.

Thực hiện “3 tại chỗ”: Doanh nghiệp cần làm gì để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid – 19 - ảnh 1

Có nhiều nhà máy thực hiện phương án "3 tại chỗ" vẫn có ca nhiễm Covid - 19.

Ngoài nơi này, các khu công nghiệp ở Bình Dương ghi nhận ca nhiễm khi tổ chức ăn ở, sản xuất tại nhà máy, như: Khu công nghiệp Việt Hương có 3 nhà máy với 7 ca nghi nhiễm; Khu công nghiệp Đồng An, Đại Đăng mỗi nơi một nhà máy với tổng 4 F0. Tại huyện Bàu Bàng, 10 công ty xuất hiện ca nhiễm. Tại thị xã Tân Uyên, hai nhà máy tổng cộng 270 ca.

Hay như Công ty công ty Kỹ nghệ gỗ Long Việt có số lượng lao động làm việc theo tiêu chí "3 tại chỗ" là 288 công, sau quá trình xét nghiệm phát hiện 248 ca dương tính. Doanh nghiệp này đã phải cầu cứu cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương giải quyết cho F0 sẽ do cơ quan y tế đưa đi điều trị, trường hợp F1 cho về nhà tự cách ly, theo dõi và điều trị tại địa phương

Gần đây nhất, UBND thị xã Tân Uyên, địa phương có khoảng 1.000 doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" đã có công văn gửi các doanh nghiệp tại địa bàn về việc tạm ngưng hoạt động, sản xuất kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ" do dịch bệnh diễn phức tạp, có nhiều ca dương tính Covid-19 được phát hiện trong doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ, doanh nghiệp thiếu hụt nguyên vật liệu để sản xuất... Vì vậy một số doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất “3 tại chỗ”.

Đa số doanh nghiệp cho rằng, tuy quy trình thực hiện "3 tại chỗ" đều tuân thủ các quy định về phòng dịch như xét nghiệm, đảm bảo 5K. Nhà máy cũng được bảo vệ cẩn thận, bố trí thoáng mát nhưng rủi ro không lường trước vẫn có thể xảy ra.

Giám đốc sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến dịch xâm nhập vào các nhà máy thực hiện "3 tại chỗ": Thứ nhất nếu xét nghiệm nhanh lấy mẫu vào 2 ngày đầu và từ ngày thứ 6 của chu kỳ nhiễm sẽ khó phát hiện virus nCov, khiến các ca nhiễm bị bỏ qua, mầm bệnh từ đó len lỏi vào nhà máy. Thứ hai, doanh nghiệp thực hiện không nghiêm, vẫn để người ra vào nhà máy khiến dịch xâm nhập.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Có thể nói, chi phí ăn ở, xét nghiệm tạo gánh nặng cho doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” mà nay dịch bệnh lây lan trong nhà máy đang là một yếu tố có thể đẩy họ vào khủng hoảng. Khi “rủi ro” lây nhiễm xuất hiện, doanh nghiệp không kịp trở tay và cũng không thể chủ động nếu không có hướng dẫn cụ thể các trường hợp hoặc phương án dự phòng khác.

Theo nhiều doanh nghiệp cho biết, việc sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" khá tốn kém và nhiều khó khăn trong vận hành. Hầu hết công nhân tỏ ra nghi ngại, lo lắng không muốn vào làm tập trung; doanh nghiệp phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân; sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho công nhân như thế nào trong thời gian ngắn vì nhà máy vốn là nơi chỉ để sản xuất; lo có đủ nguyên liệu để sản xuất hay không, vì hiện chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp quyết định vẫn duy trì sản xuất vì nếu nhà máy đóng cửa, nghỉ dịch thì chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ bị đứt gãy, công nhân mất việc, không có thu nhập sẽ để lại nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, họ cũng rất e ngại nhất vì sự bị động trong các tình huống rủi ro. Trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ" nếu phát hiện F0 thì sẽ không biết xử lý như thế nào.

Thực hiện “3 tại chỗ”: Doanh nghiệp cần làm gì để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid – 19 - ảnh 2

Theo Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, ông Trương Chí Thiện thì ngoài việc xét nghiệm tầm soát, doanh nghiệp cũng cần có phương án chia các khu sản xuất, hoạt động biệt lập để phòng ngừa việc lây lan dịch bệnh trên diện rộng nếu có ca nhiễm. Một khu không may có ca nhiễm thì các khu khác vẫn có thể hoạt động.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, các phương án diễn tập là điều hết sức cần thiết với các doanh nghiệp chưa có F0. Trong đó giải quyết các tình huống như doanh nghiệp có trường hợp F0 thì sẽ thực hiện như thế nào? Việc này không phải dễ, nhưng đây là phương pháp về quản lý ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Thiết lập đường dây với cơ quan CDC gần nhất.

Trong trường hợp khi nhà máy phát hiện ca F0 thì người quyết định cao nhất phải bình tĩnh, đưa F0 ra khỏi khu cách ly, phân luồng F1 và F2. Truyền thông, nói chuyện với cán bộ, nhân viên để họ bình tâm là vấn đề tiên quyết. Thêm vào đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, ưu tiên tiêm vaccine cho doanh nhiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp có ca nhiễm tiếp tục sản xuất hay không tùy thuộc vào tình hình thực tế sản xuất, chi phí và sức khỏe, tinh thần của nhân viên mà các lãnh đạo quản lý đưa ra tính toán phù hợp.

Theo lãnh đạo sở Y tế Bình Dương, ngoài ăn ở, làm việc tại chỗ, các nhà máy cần bố trí thêm nhân lực tại chỗ để kịp thời phối hợp xử lý, phân luồng F0, chuyển ca nghi nhiễm đến khu vực cách ly tạm thời. Doanh nghiệp cũng nên mua các bộ kit test nhanh để lực lượng y tế tại chỗ xét nghiệm đầu vào, định kỳ hoặc khi phát hiện ca nhiễm, nhằm sàng lọc trường hợp tiếp xúc gần F0, giúp sớm ổn định tình hình.

Đặc biệt, Công ty khi muốn thay, bổ sung nhân sự trước hết phải test âm tính, sau đó đưa lao động vào ở các khu này ít nhất 3 ngày, tiếp tục xét nghiệm Covid-19, nếu âm tính mới vào nhà máy.

Hùng Dân

Xem thêm:  doanh-nghiep-vuot-covid-19-moi-truong-kinh-doanh-quan-trong