Thuế tài sản: Cần định rõ lại tên và minh bạch hóa

14:00 | 16/04/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bộ Tài chính đưa ra ngưỡng chịu thuế tài sản theo năm đối với nhà căn cứ vào chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến phản biện từ giới chuyên gia và doanh nhân, đặc biệt là yêu cầu định nghĩa rõ tên và minh bạch hóa sự cần thiết nếu thực thi loại hình thuế này.
Thuế tài sản: Cần định rõ lại tên và minh bạch hóa - ảnh 1
Bộ Tài chính vừa đưa ra ngưỡng chịu thuế tài sản theo năm đối với nhà. Nguồn: Interrnet.
Bộ Tài chính đưa ra ngưỡng chịu thuế tài sản theo năm đối với nhà căn cứ vào chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, với dự báo: Đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân trên toàn quốc đạt 25 m2 sàn/người. Theo đó, mỗi hộ gia đình bình quân có 4 người thì diện tích nhà trung bình 100 m2, giá tính thuế là 730 triệu. Đây là căn cứ để Bộ Tài chính đề ra 2 phương án đánh thuế nhà: Lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng và 1 tỷ đồng.

Đề xuất này của Bộ Tài chính đang vấp phải nhiều ý kiến phản biện từ giới chuyên gia và doanh nhân, đặc biệt là yêu cầu định nghĩa rõ tên về loại hình thuế (thay cho tên gọi thuế tài sản) và minh bạch hóa sự cần thiết nếu thực thi loại hình thuế này.

Nhà đất thuộc sở hữu cá nhân mà tính thuế nộp hằng năm thì gọi là thuế gì?

Báo điện tử VietNamNet dẫn lời giám đốc một doanh nghiệp chuyên về thuế băn khoăn đặt câu hỏi: Đất đai là tài sản quốc gia thì đánh thuế là đúng. Nhưng nhà đất thuộc sở hữu cá nhân do cá nhân tự bỏ tiền xây dựng mà tính thuế nộp hằng năm thì gọi là thuế gì?

Theo vị doanh nhân này, người dân xây nhà đã phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thậm chí thuế tiêu thụ đặc biệt rồi, nếu thu thuế tài sản với nhà có phải là thuế chồng thuế hay không? Nếu cần có phương án đánh thuế tài sản tối ưu thì chỉ nên đánh thuế đối với tài sản là nhà thứ 2 trở lên, vì bản chất thuế là điều chỉnh thu nhập.

Cũng theo VietNamNet , ông Chung Thành Tiến, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã thẳng thắn: Đề xuất của Bộ Tài chính coi thuế nhà như một khoản thuế cố định, giống như thuế sử dụng đất, phải đóng hằng năm là sai.

“Nhà này là sở hữu của tôi, có phải sở hữu của nhà nước đâu mà bắt tôi đóng thuế sử dụng. Thuế đó gọi là thuế gì chứ thuế tài sản là không đúng. Tài sản của tôi tự nhiên tôi phải nộp thuế. Trong khi đó, tôi làm ra tài sản ấy tôi đã phải đóng thuế rồi”, ông Tiến chia sẻ.

Quan trọng vẫn là trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước

Vấn đề thuế nhà nói riêng và các loại thuế đang được Bộ Tài chính đề xuất tăng thu trong thời gian tới nói chung đã trở thành một trong những chủ đề thảo luận sôi nổi của các chuyên gia tại buổi Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2018 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa tổ chức.  

Dưới góc nhìn tích cực đối với các vấn đề thuế, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng người dân không nên kỳ thị thuế, phí, bởi đôi khi có những loại thuế Nhà nước buộc phải thu để bù vào các khoản thu thiếu hụt của ngân sách. Người dân không thể đòi hỏi Nhà nước làm quá nhiều thứ trong khi ngân sách không có tiền, có những khoản thu là hợp lý và cần thiết.

Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận: Vấn đề đáng nói ở đây là thu thuế thì như vậy nhưng việc chi ngân sách cũng phải quản lý một cách hiệu quả. Quan trọng hơn là trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước đối với ngân sách để người dân thấy được sự minh bạch và đáng tin cậy.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng cơ quan thuế phải có trách nhiệm giải trình rõ ràng, công khai, minh bạch. Cần làm rõ việc tăng thuế sẽ đem lại lợi ích cho ai? Thông thường các cơ quan Nhà nước không giải trình được việc thu thuế để làm gì, tăng thuế sẽ đem lại lợi ích cho ai. Còn nếu vì “bí” ngân sách mà tăng thuế thêm thì cũng phải làm rõ cho người dân biết được. Có như vậy, người dân mới có thể yên tâm đóng thuế.

“Để ổn định ngân sách, Nhà nước vẫn cần giảm chi. Đây là vấn đề không đơn giản, không chỉ là duy tình, khó tinh giản bộ máy Nhà nước cồng kềnh mà còn là “duy tiền”, bởi bao nhiêu vị trí trong cơ quan Nhà nước đều bằng tiền mà có. Trong khi đó, người dân không thể chấp nhận được việc Nhà nước cứ nương tay với bộ máy quản lý của mình, đẩy gánh nặng thuế phí vào người dân. Đây là vấn đề bất công rất lớn mà xưa nay Nhà nước không minh bạch giải trình để người dân yên tâm. Do đó, người dân luôn rất dễ xảy ra những phản ứng tiêu cực đối mỗi khi có thông tin về việc tăng thuế”, bà Lan chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến của chuyên gia Phạm Chi Lan, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR cũng cho rằng, xưa nay, hễ tăng thuế là người dân lại phản đối. Tâm lý phản đối này nảy sinh là do người dân bức xúc, khó chịu về tính không minh bạch trong chi thường xuyên của Nhà nước. Chi thường xuyên hằng năm luôn cao trong khi người dân không biết được các khoản thuế của mình được sử dụng như thế nào. Vừa qua Chính phủ đã có những hành động rất mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đáng nghi nhận, rõ ràng kết quả của cải cách vẫn chưa được cải thiện, không công khai minh bạch.