Chuyên gia: Còn nhiều yếu tố phải cân nhắc nếu muốn đánh thuế bất động sản thứ hai
Mới đây, UBND TP HCM đã có Tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội). Trong các cơ chế về tài chính, ngân sách, TP HCM đề xuất được quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất từ bất động sản thứ hai trở lên của người dân.
Mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về bất động sản, làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung. Đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ rồi bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, nhiều người cũng bày tỏ sự ủng hộ về việc đánh thuế bất động sản thứ hai.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn với việc phản ứng của người mua đối với chủ trương, đề xuất đánh thuế cao hơn đối với người sở hữu nhiều nhà đất. Kết quả cho thấy, đa số người được hỏi bày tỏ quan điểm đồng ý (74%). Chỉ có 14% người trả lời không đồng ý, số còn lại không có ý kiến.
Trong số những người không đồng ý, 58% cho rằng điều này làm thị trường kém hấp dẫn với nhà đầu tư, 53% cho rằng sẽ gây khó khăn khi tính toán giá bất động sản, 45% cho rằng điều này không giúp giảm giá bất động sản.
Ngoài ra nhiều ý kiến cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sở hữu bất động sản, sẽ không tác động đến đối tượng sở hữu nhiều bất động sản và khiến Việt Nam không còn là điểm đầu tư hấp dẫn.
Chuyên gia: Còn nhiều yếu tố phải cân nhắc nếu muốn đánh thuế bất động sản thứ 2
Là người ủng hộ việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở lên, nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM lưu ý, khi áp dụng phải cân nhắc đến yếu tố hạn mức diện tích nhà, giá trị tài sản. Bởi tại TP HCM có nhiều căn nhà tạm bợ chỉ rộng 10 - 15 m2, nếu mua 5 căn liền kề ghép lại cũng chỉ được 50 - 75 m2 mà cũng thu thuế thì không phù hợp.
Ngoài ra, người có nhiều nhà, nhưng các căn nhà đó được cho thuê, đăng ký kinh doanh và đóng thuế, nay lại thu thêm thuế căn nhà thứ hai thì sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Ông Châu nhấn mạnh, cần quan tâm vấn đề thuế suất, cho phép ân hạn 1 năm để người có tài sản điều tiết hành vi.
Đồng quan điểm là cần thu thuế bất động sản thứ hai trở lên, song PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính lại có quan điểm nên thu thuế theo diện tích, bởi nếu thu thuế bất động sản theo khái niệm tài sản thứ hai trở lên sẽ tạo ra nhiều điểm mâu thuẫn.
"Đơn cử, trường hợp một gia đình có 6 người, sở hữu 2 căn nhà. Họ dồn lại ở chật một chút trong một căn nhà để cho thuê căn còn lại lấy tiền trang trải cuộc sống. Như vậy thì thu thuế thế nào? Hay trường hợp một người có tiền mua vài căn nhà phố rồi gom lại thành một sổ đỏ thì thu thuế theo khái niệm bất động sản thứ hai sẽ bị “việt vị” ", vị chuyên gia cho hay.
Do đó, ông Thịnh cho rằng nên xem xét đánh thuế với những người sử dụng vượt hạn mức sẽ hợp lý hơn là đánh thuế bất động sản thứ hai. Như vậy, nếu người dân sử dụng trong hạn mức nào đó sẽ tính thuế thấp, vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao và nếu vượt hạn mức càng nhiều sẽ có mức thuế cao hơn tương ứng, tức là sẽ đánh lũy tiến.
Thực tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết nhiều quốc gia trên thế giới trước đây cũng đánh thuế bất động sản thứ 2, thứ 3 nhưng sau đó họ thấy không hợp lý và đã hủy bỏ.
Ông Thịnh cho rằng, kinh nghiệm từ các nước đi trước cho thấy sự bất hợp lý, do đó việc áp dụng phải cân nhắc. Nếu như người dân có 2-3 căn nhà đã đưa vào sử dụng khai thác hiệu quả và nộp thuế cho nhà nước thì không có nghĩa lý gì để đánh thuế họ cả, còn những người có nhà nhưng để thành nhà hoang cần phải đánh thuế thật nặng.