Thuốc bảo vệ thực vật đi về đâu khi vẫn “rau hai luống, lợn hai chuồng”?
“Không hiểu người dân vì vô thức, thiếu chuyên môn hay đang cố tình sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đảm bảo? Có loại thuốc khiến tôi giật mình lo lắng về sự nguy hại cận kề cho hoạt động xuất khẩu nông sản của bà con”, ông Hùng chia sẻ.
Phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp ngoại
Việc sản xuất thuốc BVTV ở Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp nước ngoài, đây là thông tin được bà Bùi Hoài Linh, chuyên gia Vibiz đưa ra tại Hội nghị.
Theo đó, gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm sản xuất thuốc BVTV tại Việt Nam phải nhập từ nước ngoài, mà chủ yếu là từ Trung Quốc.
Việc nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV đang áp thuế ở mức 0% cùng với biên lợi nhuận gộp của ngành này khá hấp dẫn đã khiến các doanh nghiệp lao vào cuộc tranh đua mở rộng thị phần, tăng doanh số.
“Trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam chi hơn 460 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu. Mặc dù con số này đã giảm 5% so với cùng kỳ 2017 song vẫn ở mức cao, trong đó hơn 50% giá trị nhập khẩu là từ Trung Quốc”, bà Linh trích dẫn.
Chính vì sự “siêu lợi nhuận này”, để cạnh tranh thị phần, các nhà sản xuất đã sẵn sàng nhập nguyên liệu của những nước có giá thành thấp, chất lượng kém, kéo theo chất lượng thuốc BVTV không bảo đảm an toàn.
Thị trường thuốc “bát nháo”
Danh mục thuốc BVTV Việt Nam hiện có tới 1.173 hoạt chất với hơn 4.000 tên thương phẩm, đủ loại giá và nhiều vi phạm.
Năm 2017, lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra 7.174 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, kết quả có 934 cơ sở vi phạm.
Tình trạng “buôn thùng bán mẹt” thuốc BVTV diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, nhất là tại vùng sâu, vùng xa.
“Khi nông dân kém hiểu biết, thì các đại lý càng có cơ hội bán hàng trôi nổi, độc quyền. Nhiều doanh nghiệp đưa ra các chương trình khuyến mại nhằm “dụ dỗ” đại lý tăng doanh số bán dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh. Mục đích của việc phá giá các sản phẩm uy tín là để kéo nông dân từ các đại lý khác. Họ chấp nhận lỗ hoặc hòa với các sản phẩm của các công ty lớn nhưng bù lại, lợi nhuận của các sản phẩm độc quyền rất khổng lồ. Điều này dẫn tới tình trạng, tại một số địa phương sản phẩm của Bayer, Syngenta, ADC, Công ty BVTV 1 Trung ương lép vế so với các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ”, bà Linh phân tích.
Khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc BVTV trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cũng đồng thời cho rằng, hiện nay, có rất nhiều giải pháp tăng cường hiệu quả sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên từ lý luận đến thực tiễn, khả năng thực thi của các giải pháp là một khoảng cách khá xa.
Bàn về các giải pháp “dẹp loạn” thị trường thuốc BVTV, đại diện cho Vibiz cho rằng các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết từ khâu đầu vào, hoàn thiện kênh phân phối, thiết lập hệ thống kênh thông tin về tình hình cung cầu, giá cả để nông dân cập nhật, nắm bắt thông tin...
“Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, giá cả. Bên cạnh việc xử phạt, cần phải nêu tên các doanh nghiệp vi phạm. Cùng với đó, minh bạch hóa các thông tin về tính độc hại của thuốc BVTV đối với sức khỏe con người và môi trường nông thôn. Khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc BVTV một cách có ý thức”, bà Linh nhấn mạnh.