Thương vụ Grab-Uber tại Đông Nam Á bị 'theo dõi'

15:21 | 03/04/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thương vụ đình đám Uber bán thị trường Đông Nam Á cho Grab đã được chốt hạ giữa hai công ty nhưng lại vướng phải vấn đề về luật cạnh tranh tại các quốc gia hữu quan.

Theo Channel NewsAsia, Ủy ban Cạnh tranh của Philippines cho biết đang theo dõi thương vụ bán thị phần của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Philippines, cho công ty Grab có làm ảnh hưởng đến nguyên tắc cạnh tranh hay không.

Trong thông cáo phát đi, Ủy ban Cạnh tranh của Philippines (PCC) cho biết: "Thương vụ mua lại của Grab-Uber dường như có ảnh hưởng sâu rộng đến các dịch vụ vận tải công cộng. Do vậy, PCC đang xem xét hợp đồng này một cách chặt chẽ".

Ủy ban PCC cho biết sẽ gặp đại diện của hai công ty Uber và Grab để nắm thêm thông tin về khả năng xảy ra độc quyền trên thị trường vận tải khi Grab nắm luôn thị trường đã xây dựng của Uber.

Thương vụ Grab-Uber tại Đông Nam Á bị 'theo dõi' - ảnh 1
Uber đã đồng ý bán lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab. (Ảnh minh họa)

"Vụ sáp nhập hoặc mua lại xem xét dưới góc độ cạnh tranh sẽ quyết định xem liệu cuộc sáp nhập của hai doanh nghiệp trong thị trường chia sẻ xe có làm giảm đi tính cạnh tranh nhiều hay không", thông cáo của PCC cho biết.

Về phía Malaysia, cơ quan quản lý của quốc gia này cũng thông báo về việc giám sát Uber liên quan đến những hành vi chống cạnh tranh có thể phát sinh.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng chính phủ Nancy Shukri, người đứng đầu cơ quan giám sát cấp phép về giao thông công cộng của Malaysia: “Chúng tôi sẽ không coi nhẹ thương vụ này. Chúng tôi sẽ theo dõi bởi việc mua lại này mới chỉ ở giai đoạn đầu và không biết liệu điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Nếu có bất kỳ hành vi chống cạnh tranh nào, Đạo luật Cạnh tranh sẽ có hiệu lực”.

Bộ Giao thông Indonesia cũng đưa ra yêu cầu đăng ký kinh doanh đối với hai hãng Go-Jek và Grab: Trong vòng 2 tháng, hai hãng xe sử dụng công nghệ này phải đăng ký hoạt động như công ty vận tải để đảm bảo rằng họ đáp ứng các yêu cầu về an toàn trong dịch vụ vận tải công cộng, về khả năng tăng phí và giám sát của các công ty đi xe.

Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi cho biết chính quyền Jakarta đã hoàn tất một quy định mới yêu cầu các công ty thuê xe phải xin giấy phép từ Bộ để được hoạt động kinh doanh giao thông công cộng. Các quy tắc mới sẽ được thảo luận với tất cả các bên liên quan "trong vòng một hoặc hai ngày", ông Sumadi khẳng định trong cuộc họp báo ngày hôm nay.

Grab có vẻ như sẽ vấp phải khó khăn trong vụ mua lại này khi cách đây vài ngày, cơ quan quản lý cạnh tranh của Singapore đã khởi động một cuộc điều tra về thương vụ này liên quan đến tự do cạnh tranh và đề xuất các biện pháp tạm thời yêu cầu Grab và Uber duy trì mức giá như thời điểm trước khi diễn ra thỏa thuận. 

Tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Grab mua lại Uber thì sẽ phải có trách nhiệm trả 53,3 tỉ đồng nợ thuế của Uber.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết hiện nay, Uber vẫn nợ 53,3 tỉ đồng tiền thuế tại Cục Thuế TPHCM. Khoản tiền thuế này đã nhiều lần được cơ quan thuế đòi, thậm chí có những biện pháp mạnh mà Uber vẫn không trả. Thứ trưởng Mai nhấn mạnh: "Nghĩa vụ của các doanh nghiệp sáp nhập thì doanh nghiệp mới phải thừa kế, lãnh trách nhiệm đó. Điều này có nghĩa là Grab phải có trách nhiệm trả khoản nợ đó thay Uber tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh".