Thường vụ Quốc hội sắp cho ý kiến sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ luật Lao động
Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến (lần hai) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); cho ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Trước đó, 6 vấn đề của Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra chiều 2/5.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Bộ luật Lao động hiện hành có nhiều bất cập, vướng mắc về hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam...
6 vấn đề trong dự án này cần tiếp tục thảo luận sâu sắc hơn bao gồm:
Thứ nhất là mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa. Sau khi tham khảo kinh nghiệm của các nước và nhu cầu của người lao động, chủ doanh nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm (theo Bộ luật hiện hành) lên 400 giờ/năm (nếu được người lao động đồng ý, chủ doanh nghiệp trả lương đãi ngộ làm thêm giờ lũy tiến, cao nhất tới 300% so với ngày thường và một số điều kiện bảo đảm sức khỏe cho người lao động).
Thứ hai là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình hai phương án. Phương án 1 là từ 1/1/2021, tăng tuổi nghỉ hưu thêm ba tháng với nam và bốn tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 là từ 1/1/2021 tăng tuổi nghỉ hưu thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.
Thứ ba, về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở để bảo đảm tuân thủ các quy định của quốc tế, Dự thảo có ba Điều quy định ba nội dung lớn về quyền của người lao động trong thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; điều kiện với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức và tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức. Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể các nội dung trên bằng nghị định.
Thứ tư, về thời gian nghỉ Tết âm lịch, ngoài phương án giữ nguyên như hiện hành (nghỉ năm ngày, nếu ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào tuần kế tiếp), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bổ sung phương án nữa là nghỉ năm ngày, nếu trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động không được nghỉ bù.
Cuối cùng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị bổ sung vào Bộ luật Lao động để Chính phủ quy định thống nhất thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. Thời gian làm việc dự kiến là 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ các bộ phận đặc biệt liên quan tới liên thông công việc và tiếp dân).
Hầu hết các bộ, ngành đều đồng tình với các nội dung sửa đổi của dự án Bộ luật Lao động và ủng hộ cách thức đặt vấn đề khác nhau, có “độ mở” về thông tin và phương án lựa chọn đối với các nội dung cần xin ý kiến Quốc hội và nhân dân của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Về Dự án sửa đổi Luật Đầu tư công, các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh yêu cầu Luật cần phân cấp mạnh hơn để bớt thủ tục, bớt “xin cho”.
Theo đó, một trong những mục tiêu đề ra khi sửa đổi Luật Đầu tư công là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tăng cường hậu kiểm trong quản lý đầu tư công.
Đồng tình với các ý kiến trên của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu lại quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phân cấp mạnh cho các địa phương. Việc phân cấp này liên quan cả về danh mục và tổng mức đầu tư: Trung ương chỉ quyết định phần danh mục của trung ương, danh mục của địa phương để cho địa phương quyết định. Với những dự án có nhiều nguồn vốn hình thành, như nguồn hỗ trợ của trung ương, nguồn của địa phương thì địa phương nào có danh mục đó thì địa phương đó sẽ quyết định.