‘Thương vụ tỷ đô’ Vingroup-Masan: Phép Cộng đẹp của những DN Việt

09:20 | 26/01/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây được coi là sự kiện hợp tác có một không hai để trở thành một tập đoàn sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu trong cả nước, tiến tới giành lại kênh phân phối cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam…
‘Thương vụ tỷ đô’ Vingroup-Masan: Phép Cộng đẹp của những DN Việt - ảnh 1
‘Thương vụ tỷ đô’ giữa Vingroup-Masan được đánh giá là phép Cộng đẹp của những doanh nghiệp Việt. Nguồn: Internet.
Đầu tháng 12/2019, nhiều người tiêu dùng bất ngờ khi hay tin Vingroup chuyển nhượng hệ thống hơn 2.600 siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho Masan bên cạnh các nông trại VinEco.

Trong ngày làm việc cuối cùng của năm 2019, HĐQT Tập đoàn Masan thông qua nghị quyết về việc hoán đổi cổ phần trong thương vụ sáp nhập Vinmart và VinEco từ Vingroup. Theo đó, Masan nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của Công ty cổ phần phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM.

Cú bắt tay lịch sử giữa Vingroup và Masan trong những ngày cuối năm 2019 được đánh giá là một động thái tích cực, thể hiện tính năng động và đoàn kết của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước - hợp tác để cùng phát triển.

Là người theo dõi sát hoạt động của hệ thống bán lẻ, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội nhận định: Trong xu hướng tích tụ tập trung của hoạt động ngành bán lẻ Việt Nam năm 2019, hàng loạt phi vụ hợp tác kinh doanh M&A được thực hiện giữa doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn bán lẻ đã và đang tiếp tục phát triển các chuỗi bán lẻ và các cửa hàng tiện lợi, đồng thời, nâng cấp và đổi mới các mô hình kinh doanh đã có, để mong chiếm lĩnh thị phần và khách hàng.

“Điều cần nhấn mạnh đây không phải là một phi vụ M&A hay mua bán mà là một sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Việt để trở thành một tập đoàn sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu trong cả nước. Mục đích của sự hợp tác này rất rõ ràng, một phép Cộng đẹp để tiến tới giành lại kênh phân phối cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phấn khích.

Ông Phú cũng cho rằng, sự hợp tác này cũng chính là giải quyết những khó khăn trước mắt mà các nhà sản xuất và cung ứng Việt đang gặp khó khăn khi tiếp cận với một số siêu thị của nước ngoài.

‘Thương vụ tỷ đô’ Vingroup-Masan: Phép Cộng đẹp của những DN Việt - ảnh 2
"Thương vụ tỷ đô" Vingroup-Masan hướng tới giành lại kênh phân phối cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam…
Dẫn chứng cụ thể mà ông Phú đưa ra là: Sự kiện trong tháng 7/2019, 200 nhà cung cấp ngành hàng may mặc chỉ sau một công văn ngắn, một cuộc điện thoại, một bản fax, họ đã bị Big C tạm dừng hợp tác ngay sau đó mà thiếu những lý do cụ thể từ phía siêu thị này.

Quá trình tích tụ tập trung thương mại của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước trong năm qua cho thấy xu hướng tích tụ để lớn hơn, mạnh hơn và giành quyền chủ động trên thị trường là tất yếu, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội nhận định.

 “Từ trước đến nay, doanh nghiệp Việt giải thể thường bán cho nước ngoài, nhưng giờ lại có một hình ảnh của hai ông lớn Việt cộng tác với nhau để tạo thành một tập đoàn bán lẻ lớn của Việt Nam, đối chọi với tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Tôi cho đó là khác về bản chất bán lẻ và bản chất của tổ chức quản lý”, ông Phú nói.

Ngay khi “thương vụ tỷ đô” Vingroup và Masan diễn ra, đại diện cho lãnh đạo hai Tập đoàn đều khẳng định về sự khởi tạo để vươn lên khát vọng toàn cầu của mình. Đây không chỉ là sự cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi mà còn giúp sự hợp tác này nhanh chóng đạt được mục tiêu xây dựng tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới.

Ông Phú cũng tự tin vào tương lai cho phép cộng đẹp giữa Vingroup và Masan trong lĩnh vực bán lẻ, với lý giải: Theo dự bự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ tăng từ 25% hiện tại lên 40%. Với quy mô ước tính 180 tỷ USD, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ là Việt Nam không thể mất thị trường bán lẻ, thị trường nội địa. Việt Nam cần phải làm chủ sân nhà trên lĩnh vực đầy tiềm năng này. Phép cộng của Vingroup và Masan đã đi đúng hướng với chủ trương đó.