Thủy điện Rào Trăng 3: mất liên lạc với 13 người trong đoàn cứu hộ

15:28 | 13/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bên cạnh 17 công nhân đang thi công ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) vẫn mất liên lạc, 13 cán bộ, chiến sĩ đi cứu nạn ở thủy điện này cũng chưa rõ tung tích.
Trưa 13-10, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh VP UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết vẫn chưa liên lạc được với 13 cán bộ, chiến sĩ đang mất liên lạc khi đi cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Hiện Bộ Tư lệnh khu 4, lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đang tăng cường tìm kiếm số cán bộ, chiến sĩ .
 
Trước đó theo báo Tuổi Trẻ có đưa tin khoảng 13 giờ 30 phút ngày 12/10. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế nhận tin báo có vụ sạt lở đất, vùi lấp khu nhà đang có hơn 10 công nhân đang thi công ở Thủy điện Rào Trăng 3. Khu vực này ở núi cao, khó đi. Người báo tin phải trèo lên đỉnh núi mới có sóng để gọi điện.
 
Ngay khi có điện báo sạt lở đất vùi lấp hơn mười lao động ở thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Đoàn công tác của UBND tỉnh và Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man cùng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Thượng tá Ngô Nam Cường chỉ đạo cán bộ chiến sĩ lập tức lên đường tìm kiếm, cứu nạn.
 
Thủy điện Rào Trăng 3: mất liên lạc với 13 người trong đoàn cứu hộ - ảnh 1
 
Đến 16 giờ, đoàn đến khu vực rừng núi có công trình thủy điện Rào Trăng 3. Phó Tư lệnh quyết định đi bộ vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường để khảo sát, chỉ đạo công tác cứu nạn. Do mưa lũ, sạt lở, thêm suối chảy bất thường nên đi lại rất khó khăn, cả đoàn phải bỏ xe đi bộ. Đoàn đã bám đá, bò đường để trườn qua những điểm sạt lở. Đến 23 giờ đêm cùng ngày, đoàn còn cách Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3 km. Do mưa lớn, không thể tiếp tục hành quân, đoàn đã dừng nghỉ, đợi sáng tiếp tục lên đường. Tuy nhiên quả đồi bên đường bất ngờ sạt xuống khu vực đoàn đang nghỉ tại Trạm kiểm lâm số 7.
 
Ngay trong đêm 12, rạng sáng 13/ 10, lãnh đạo UBND tỉnh và Tư lệnh Quân khu 4 đã triệu tập họp khẩn ở Sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), tìm cách tiếp cận khu vực sạt lở. Tại khu vực này, hiện vẫn mưa lớn và núi lở liên tục. Tuyến đường vào Rào Trăng 3 dài khoảng 20 km, có hơn 10 điểm sạt lở lớn, 4 con suối nước chảy xiết, thời tiết xấu tiềm ẩn rủi ro cao. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế phải điện báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
 
Trước mắt, tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện chuyên dụng như xe múc, xe cẩu, mở đường tiếp cận khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Đồng thời, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, y tế, bảo đảm công tác cứu hộ, cứu nạn. Công an tỉnh đã điều 3 xe và lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến hiện trường. Khi trời chưa sáng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ trang bị đã lên đường.
 
Đến 10 giờ 30 phút ngày 13/10, các lực lượng vẫn chưa tiếp cận được hiện trường do lượng đất đá sạt lở rất lớn cộng thêm nước suối dâng cao. Hiện, tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, còn 30 người chưa liên lạc được, gồm 17 công nhân thi công thủy điện và 13 người thuộc đoàn cứu hộ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4.
 
Thủy điện Rào Trăng 3: mất liên lạc với 13 người trong đoàn cứu hộ - ảnh 2

Máy bay quân sự đã được huy động để tìm kiếm, cứu nạn

Hiện nay, các xe máy xúc, ủi đang được cơ quan chức năng huy động để khai thông những đoạn sạt lở từ trung tâm xã Phong Xuân, huyện Phong Điền lên tới vị trí dự kiến gặp sự cố. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4 đang trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân đã cất cánh từ sân bay Đà Nẵng vào khu vực sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) để tìm kiếm, cứu nạn.

Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên sông Rào Trăng, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; được cấp phép đầu tư vào đầu tháng 11/2008, có công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.

 

Thủ tướng ra Công điện tập trung cứu nạn
 
Sáng 13-10, Thủ tướng có Công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Công điện nêu: Được tin mưa lũ đã gây sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 thuộc Tiểu khu 67 và công trình thủy điện Rào Trăng 3 thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn và người của công trường thuỷ điện bị vùi lấp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
 
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Tư lệnh Quân khu 4 khẩn trương tập trung chỉ đạo các lực lượng, phương tiện cần thiết, phù hợp để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn kịp thời các nạn nhân bị vùi lấp; lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện và khẩn trương khắc phục sự cố.
 
2. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi, kể cả các công trình đang thi công, có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người, tài sản nhà nước và nhân dân trên địa bàn.
 
Nguyễn Dung