Thủy sản Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) vừa công bố những số liệu mới nhất liên quan đến xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm 2021.
Đáng chú ý, trong tháng 4, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực sang Mỹ đều tăng mạnh. Trong đó sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất chính là cá tra khi tăng 136% đạt 30,4 triệu USD, tiếp theo là tôm tăng 47% ở mức 65,3 triệu USD. Một số sản phẩm khác như cá ngừ cũng tăng 56% đạt hơn 31%; mực, bạch tuộc tăng 83%...
Tính tổng trong 4 năm đầu năm 2021, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt gần 200 triệu USD, tăng gần 25% và chiếm 21% tổng xuất khẩu Việt Nam trên toàn thế giới. Cá tra sang Mỹ có kim ngạch đạt 102 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng thời điểm năm ngoái và chiếm 21% tổng xuất khẩu. Mỹ là thị trường chủ đạo xuất khẩu cá ngừ Việt Nam, khi chiếm 42% tổng xuất khẩu của cả nước, với giá trị 94,5 triệu USD tính từ đầu năm, tăng 15% so với năm ngoái.
Tôm là loại thủy sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất trong những mặt hàng xuất khẩu Mỹ với 41%. Đứng thứ 2 là cá tra chiếm 21%, các mặt hàng hải sản chiếm 38%. Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy, hải sản tiềm năng nhất khi vừa tăng trưởng và tiếp tục dẫn đầu lượng nhập khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, cua ghẹ, đứng thứ 2 trong số các nước nhập khẩu các mặt hàng cá biển của Việt Nam.
Tôm chính là mặt hàng giữ ngôi đầu trong xuất khẩu các loại thủy sản sang Mỹ
Giải thích cho sự tăng trưởng trở lại của thị trường xuất khẩu thủy sản so với thời điểm trước đại dịch, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân là bởi Mỹ đã triển khai mạnh tiêm chủng vaccine cùng các gói kích thích kinh tế của nước này giúp các lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm cùng các đơn đặt hàng trở hồi phục trở lại một cách mạnh mẽ.
Nhật Bản cũng chứng kiến sự tăng trưởng khi cao hơn 4,7 lần so với đầu năm 2019 - trước khi dịch Covid-19 bùng nổ. Tỷ trọng xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam sàn Nhật Bản tăng từ 17%, lên 17,3% trong những tháng đầu năm nay.
Những Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, VNEAEU, UKVFTA với hàng rào thuế quan bị loại bỏ và nhận được nhiều ưu đãi từ các nước đối tác chính là lực đẩy để các doanh nghiệp tăng tỷ trọng xuất khẩu và tăng tỷ trọng tổng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Anh, Australia, Canada và Nga trong 4 tháng đầu năm.
Trái với sự tăng trưởng về xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Nhật thì một số quốc gia khác tại EU và Trung Quốc, Hàn Quốc lại chứng kiến sự sụt giảm nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Các số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng phần nào đến sản lượng xuất khẩu sang thị trường EU.
Trong những tháng tới, đặc biệt khoảng thời gian từ tháng 6/2021 trở đi xuất khẩu thủy, hải sản sẽ còn khởi sắc hơn nữa.
Tại Mỹ, từ ngày 20/5/2021, tất cả 50 bang của nước Mỹ đã mở cửa trở lại dù ở các mức độ khác nhau, nhiều nhà máy sản xuất sẽ làm việc bình thường, thị trường bán lẻ sẽ sôi động trở lại nhờ các siêu thị, cửa hàng mở cửa, du lịch và bãi biển sẽ tiếp nhận du khách trở lại… Đây là những tín hiệu ban đầu của sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở Mỹ từ nay đến cuối năm và chắc chắn đây sẽ là cơ hội không nhỏ cho Việt Nam.
Còn tại châu Âu, sau nhiều tháng chống chọi dịch bệnh thì cũng phát ra những thông điệp tương tự khi đã đạt được những bước tiến lớn trong tiêm phòng, điều trị dịch bệnh. Nhiều nền kinh tế mở cửa trở và đón du khách quốc tế sẽ đem lại nhiều điều tích cực cho hoạt động xuất khẩu nói chung và ngành thủy sản nói riêng.
H.S
Xem thêm: 69 triệu thùng đang chờ sẵn, giá dầu thế giới có giảm khi Iran được xuất khẩu ?