Tỉ lệ hộ nghèo trong cả nước giảm còn 5,35%
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch góp phần hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Quốc hội giao. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước nâng lên; giảm nghèo đi vào thực chất hơn….
Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nêu rõ, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,1%, thấp nhất trong 11 năm trở lại đây. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%.
Trong năm 2018, công tác tuyển sinh ước đạt khoảng 2,21 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch. Đồng thời, ngành LĐTB&XH tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung cầu trên thị trường lao động. Theo đó, ước cả năm 2018 tạo việc làm cho khoảng 1,648 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch. Cũng trong năm nay, đã có 142,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, ngành LĐTB&XH cũng triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đến nay cả nước đã có 14,724 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Với những kết quả đạt được, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017). Bình quân tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%, giảm trên 5% so với cuối năm 2017.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: Đối với Thủ đô Hà Nội, chủ trương xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Trong đó, mục tiêu hàng đầu là chính sách hỗ trợ tìm, ổn định việc làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững.
Năm 2018, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 190.179 lao động, đạt 125% so với kế hoạch; nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,18%; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 2,41%.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, để đạt được kết quả trên, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm tạo ra nhiều việc làm, Thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động, cụ thể:
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm: Tổ chức 109 phiên giao dịch việc làmvới 6.075doanh nghiệp, đơn vị tham gia; 76.649 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh; 51.500 lượt lao động được phỏng vấn, tư vấn hướng nghiệp; 23.600 lao động được tuyển dụng. Đặc biệt, Hà Nội đã hoàn thành việc khai trương và đưa vào hoạt động 8 điểm và 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện kết nối trực tiếp với sàn giao dịch việc làm Thành phố.
Tăng cường thông tin về thị trường lao động: Tiếp tục ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, phát triển website "vieclamhanoi.net" thành Cổng thông tin điện tử về lao động việc làm Thành phố, hỗ trợ lao động đăng tin tìm việc làm, hỗ trợ DN đăng tin tuyển dụng thông qua website ”vieclamhanoi.net”; tổ chức phát hành Bản tin dự báo thị trường lao động.
Nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao độngnhằm nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động. Tiếp tục bổ sung nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Năm 2018, xét duyệt cho 23.000 hộ vay với số tiển là 861 tỷ đồng, tạo việc làm cho 43.149 lao động.
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 3.250 lao động. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, năm 2018 đã xem xét hưởng trợ cấp thất nghiệp60.000 hồ sơ; ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 59.200 người với số tiền hỗ trợ 1.080 tỷ đồng…
Nhân hội nghị này, TP. Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ đối với các DN có hoạt động hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, đề nghị Bộ LĐTB&XH ban hành các quy định đơn giản hóa các quy định của Tòa án về thụ lý đơn kiện liên quan đến tranh chấp lao động. Phát triển sàn giao dịch việc làm - dạy nghề, ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm. Sớm ban hành Hướng dẫn sử dụng phần mềm kết nối cơ sở dữ liệu dân cư vào phục vụ quản lý thông tin các đối tượng chính sách.