Tiềm năng hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia còn rất lớn
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 11/2018, Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 210 dự án đầu tư tại Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3 tỷ USD, quy mô trung bình đạt 14 triệu USD/dự án; vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đạt khoảng 1,5 tỷ USD (đạt tỉ lệ 50%). Campuchia hiện đứng thứ 2 trong tổng số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhìn chung các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia đã triển khai tốt. Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia có mặt ở hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của Campuchia; tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp với 54 dự án, số vốn đăng ký là 2,12 tỷ USD (chiếm 70% tổng vốn đăng ký); Hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm với 7 dự án, với vốn đăng ký là 334,1 triệu USD (chiếm 11% tổng vốn đăng ký); thông tin truyền thông với 13 dự án, với vốn đăng ký là 202,3 triệu USD (chiếm 6,7% tổng vốn đăng ký). Các dự án còn lại nằm trong các lĩnh vực khoáng sản, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng, du lịch-khách sạn, bất động sản, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí và các dịch vụ khác.Đến nay Việt Nam đã có 206 dự án đầu tư vào Campuchia đang hoạt động tốt, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế cũng như làm tốt các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Thời gian tới nền kinh tế thế giới và khu vực mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đòi hỏi chúng ta phải phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Trên thực tế, với thuận lợi từ hai nước, nếu chúng ta biết khai thác tốt sẽ tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ.
Nhận định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ bùng nổ cho dù kinh tế thế giới có nhiều biến động. Theo đó, Thủ tướng đề xuất tập trung vào 4 định hướng chung. Thứ nhất, hai quốc gia đều nằm trong cộng đồng kinh tế ASEAN nên có nhiều sự tương đồng như thị trường, vốn, hàng hóa, lao động, đây là nền tảng mà các doanh nghiệp cần tận dụng tốt.
Thứ hai, trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển nền kinh tế số, những lợi thế truyền thống như lực lượng lao động không còn là thế mạnh nữa, chính sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trẻ mới là động lực thúc đẩy vượt lên
Thứ ba, Chính phủ hai nước luôn ủng hộ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam sang Campuchia đầu tư kinh doanh có hiệu quả. Các doanh nghiệp Việt bên cạnh lĩnh vực chuyên môn cũng cần chú trọng đào tạo và chuyển giao công nghệ với các đối tác Campuchia để hỗ trợ xã hội, cộng đồng và bảo vệ tốt môi trường. Những DN lớn của Việt Nam như Viettel, BVM, NVA, Tập đoàn Cao su,… phải là những nhà đầu tư tiên phong của Việt Nam hoạt động đầu tư thành công tại đây.
Thứ tư, Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Campuchia dành cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo động lực trong việc thúc đẩy dòng chảy thương mại giữa hai bên.
Về phía Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho biết, Campuchia đang thực hiện chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2025 để thực hiện chiến lược tăng trưởng mới. Cùng với đó là đẩy mạnh cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng cứng như cảng biển nước sâu, đường cao tốc, quốc lộ lớn kết nối với các cảng và kết nối với các quốc gia láng giềng.
Đó là cơ chế “một điểm dừng, một cửa” nhằm đơn giản hoá, tự động hoá hệ thống hải quan, cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức. Đồng thời, sắp xếp kế hoạch tổng thể về logistics và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng tuyến đường quốc lộ kết nối với cảng biển quốc tế nhằm thúc đẩy giao thương.
Thực hiện lộ trình giảm giá điện từ năm 2019 và ổn định nguồn cung để tăng cường thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất của khu vực cũng như thúc đẩy giao dịch thương mại biên giới giữa hai nước.
Đại diện doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Campuchia là thị trường viễn thông nước ngoài đầu tiên Viettel đầu tư từ năm 2006 với thương hiệu “Metfone”. Hiện nay, Metfone là nhà mạng số 1 tại thị trường cả về số thuê bao và hạ tầng mạng lưới, đóng góp đáng kể vào hoạt động xã hội của Campuchia. Theo lộ trình chiến lược của Tập đoàn Viettel, song song với quá trình thực hiện ở Việt Nam, Viettel đồng thời thực hiện công cuộc chuyển đổi số tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Campuchia.
Do đó, đại diện Viettel mong Chính phủ và cơ quan chức năng 2 nước tích cực hỗ trợ Viettel và Metfone trong việc xem xét cấp giấy phép kinh doanh các dịch vụ mới. Ngoài ra, hỗ trợ các quy trình có liên quan trong việc triển khai cung cấp các dịch vụ mới tại thị trường Campuchia.