Tiền đang bị mắc kẹt ở các thị trường tài sản

PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân 08:16 | 30/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sức cầu tiêu dùng ở trong nước đang yếu. Nghiêm trọng hơn là nguồn tiền mắc kẹt trong các thị trường tài sản khiến người dân có xu hướng thận trọng hơn.

Tác động của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và các vấn đề nội tại khiến môi trường đầu tư của Việt Nam đang trở nên xấu đi, rủi ro hơn. Bối cảnh môi trường như vậy khiến cộng đồng doanh nghiệp thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Đây cũng là lý do khiến đầu tư tư nhân năm 2023 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Quyết định đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó có thể là lãi suất, chi phí vốn vay thấp, sự thuận lợi trong việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là triển vọng kinh doanh, triển vọng của nền kinh tế.

Nếu như triển vọng nền kinh tế được đánh giá là xấu đi hoặc chưa tươi sáng thì ngay cả khi lãi suất thấp, doanh nghiệp cũng không lựa chọn đầu tư. Bởi lẽ, khi đầu tư ra phải thu được lợi nhuận trong tương lai mà triển vọng này phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới và trong nước.

 

Vì vậy, nếu muốn thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng trở lại, ngoài việc nói đến chi phí vốn vay hợp lý thì cần đến sự phục hồi của kinh tế thế giới. Mà kinh tế thế giới thì không thể tách rời khỏi chính sách vĩ mô của các nước lớn, từ Mỹ tới Trung Quốc tới EU và Nhật Bản. 

Cùng với đó, môi trường kinh tế trong nước cũng cần cải thiện để tạo triển vọng tốt hơn trước. Một xu hướng có thể thấy rõ hiện nay là những nước đóng vai trò công xưởng sản xuất của thế giới như Trung Quốc hay Việt Nam đang có hiện tượng dư thừa nguồn cung.

Cung sản xuất đang lớn hơn sức cầu do các nước phát triển giảm nhu cầu. Tình trạng này xuất phát từ việc thắt chặt tiền tệ, lạm phát và thu nhập của người dân sụt giảm, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị….

Một khi cung dư thừa so với sức cầu sẽ ảnh hưởng lớn tới đầu tư, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp chỉ quyết định sản xuất nếu đầu ra được hấp thụ. Trong khi đó, hiện nay đầu ra của hàng hoá đang tương đối dư thừa, thể hiện bằng việc kênh xuất khẩu không tăng trưởng, thậm chí là sụt giảm.

Mặc dù có sự phân hoá ở các lĩnh vực sản xuất nhưng nhìn chung, nhu cầu đối với các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu đang rất yếu.

 

Với môi trường kinh tế trong nước, có thể thấy rõ xu hướng đầu tư yếu đi do những vấn đề của thị trường tài sản. Nhìn chung, tiền của người dân đang mắc kẹt tại các thị trường tài sản. 

Đầu tư cổ phiếu thì thua lỗ, đầu tư trái phiếu thì mất tiền, điển hình là các vụ doanh nghiệp không trả được nợ trái phiếu. Thị trường bất động sản nhiều phân khúc giá cũng giảm, mất thanh khoản.

Người dân mất tiền nhiều trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến thu nhập mới tạo ra cho nền kinh tế không có nhiều.

Nguồn tiền mắc kẹt trong các thị trường tài sản khiến xu hướng hiện nay là người dân trở nên thận trọng hơn. Sự thận trọng thể hiện ở nhiều hành vị, chẳng hạn như thận trọng trong tiêu dùng, hướng nhiều vào tiết kiệm, ít mạo hiểm hơn, sẵn sàng chấp nhận lãi suất thấp, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng thay vì đi mua bất động sản hay là đầu tư cổ phiếu, trái phiếu.

 

Hành vi an toàn này cũng xảy ra ở doanh nghiệp. Sau những vụ sai phạm liên quan tới đất đai, xăng dầu, y tế, … thì các doanh nghiệp cũng co lại. Công cuộc chống tham nhũng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích, nhưng nếu chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa" hay là làm nửa vời thì ít nhất trong ngắn hạn đang gây tác động tâm lý cho doanh nghiệp, bởi ít nhiều vi phạm của doanh nghiệp nhà nước, quan chức nhà nước cũng liên quan tới doanh nghiệp tư nhân.

Trong môi trường kinh doanh, hành lang pháp lý không bảo vệ được doanh nghiệp, nhà đầu tư thì họ buộc lòng phải co lại. Bởi doanh nghiệp của một bên có thể liên quan tới nhiều doanh nghiệp khác, khiến hoạt động đầu tư bị đình trệ.

Những hoạt động đầu tư này sẽ chỉ trở lại khi những rủi ro pháp lý kết thúc, hoặc sẽ chỉ tập trung ở những lĩnh vực không liên quan đến rủi ro pháp lý đó. Những mảng liên quan đến bất động sản, đấu giá còn tương đối rủi ro, chỉ những phân khúc hướng tới như cầu ở thực của người dân có sự an toàn hơn.

 

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư tư nhân thì cần cố gắng hạ lãi suất cho vay, phát triển thị trường vốn dài hạn (thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp). Các kênh tiếp cận vốn của doanh nghiệp phải được khơi thông. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. 

Yếu đó quyết định đến đầu tư của doanh nghiệp phải là sự hồi phục của thị trường nước ngoài. Nền kinh tế Việt Nam không thể tách rời kinh tế thế giới, đặc biệt là mảng đầu tư tư nhân và thương mại. Do vậy, muốn trông đợi vào sự phục hồi của đầu tư cần chờ đợi sự phục hồi của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kinh tế thế giới phục hồi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho mảng FDI hơn là khu vực tư nhân.

Đối với trong nước, có một số yếu tố có thể khôi phục đầu tư tư nhân.

Thứ nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở, đang chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong nền kinh tế và cũng là vấn đề gây tắc nghẽn.

Kéo được đầu tư nhà ở lên sẽ giải quyết một lúc nhiều vấn đề: Vừa khơi thông thanh khoản cho thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu ngân hàng, giải quyết viện làm trong lĩnh vực bát động sản, nhu cầu nhà ở của người dân.

Từ đó có thể khôi thông các lĩnh vực đầu tư sản xuất kinh doanh khác như: Vật liệu xây dựng, nội thất, điện nước,.….Đây cũng là yếu tố có kể kỳ vọng nhiều nhất bởi những yếu tố khác là khách quan, phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài.

Thứ hai, mảng sản xuất kinh doanh, dịch vụ thì cũng không hẳn là yếu, phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, khi nước này đang dư thừa năng lực sản xuất.

Thứ ba là đầu tư trên thị trường bất động sản, nhà ở dân cư. Nhu cầu của Việt Nam vừa lớn, đặc biệt là những phân khúc bình dân, tại thành phố lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có nhu cầu đầu tư vào những phân khúc này. Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực này cũng vướng phải các ván đề pháp lý như đền bù, xác định giá đất, phê duyệt dự án …. Do đó, số dự án được cấp mới không đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh đó, khi vốn đầu tư tư nhân yếu thì cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, song cần tập trung vào những dự án trọng điểm quốc gia. Không đầu tư dàn trải vì sẽ lãng phí, không giải quyết được vấn đề gì.

Đây là những vấn đề mà Việt Nam có thể chủ động giải quyết được. Môi trường đầu tư ấm lên khi doanh nghiệp tin tưởng vào nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các cơ quan quản lý. Thúc đẩy đầu tư tư nhân là vấn đề rất quan trọng bởi quy mô khu vực đầu tư tư nhân lớn hơn đầu tư công rất nhiều. Đầu tư công hiện chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội, trong khi đầu tư tư nhân chiếm đại đa số.

PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân