Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu

12:58 | 20/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam - “Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”, do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức sáng 20/8.

Theo số liệu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện xu hướng tiêu dùng online tại Việt Nam rất phát triển. Cụ thể, thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm. Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019: Mua sắm quần áo chiếm 22,4%, hàng cá nhân: 21%, hàng điện tử: 18%, vé mát bay, xem phim: 17%, nội dung online: 19%.

Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu - ảnh 1

Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam - “Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”.

Đánh giá về vấn đề này, tại Diễn đàn, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh, cho biết, tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.  Theo đó, tiêu dùng online không chỉ là câu chuyện xu hướng, mà vài năm gần đây, tốc độ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam vào loại nhanh nhất khu vực. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online. Đối với các doanh nghiệp, đây là câu chuyện chuyển đổi dịch vụ với khách hàng, là cách thức sống còn trong giai đoạn này. Mặt khác, Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng chính sách hỗ trợ với gói kích thích kinh tế lần thứ 2, theo đó sẽ tập trung lớn vào tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Cách thức ở đây là giải pháp hỗ trợ nhóm bị thiệt hại nặng, nhóm yếu thế, làm sao kích thích tiêu dùng tầng lớp trung lưu. Vì vậy, xu hướng tiêu dùng online, thanh toán trực tuyến sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Chia sẻ thêm về xu hướng hành vi người tiêu dùng trong kỷ nguyên số, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, nhấn mạnh, hiện thế trẻ rất cập nhật mảng tiêu dùng số. Tại Việt Nam có 62% người tiêu dùng mua hàng tại nhà. Với nghiên cứu của Nielson Việt Nam, có 65% người mua hàng trực tuyến được diễn ra từ 18h đến 1h sáng. Những thay đổi công nghệ cũng thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cấp cao, đại diện Tiki miền Bắc, cho biết, sàn thương mại điện tử là lĩnh vực khuyến khích để chuyển đổi số, có tốc độ tăng nhanh, nhưng thanh toán không dùng tiền mặt hiện lại diễn ra chậm. Nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa tin tưởng với giao dịch điện tử.

Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu - ảnh 2

Nhân viên TIKI chuẩn bị giao hàng cho khách mua hàng online.

Lý giải vấn đề này, theo ông Quyền, việc mua hàng trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng. Việc tiếp cận các thông tin về an toàn/cảnh báo của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống, đặc biệt khi người tiêu dùng xem sản phẩm qua thiết bị có màn hình nhỏ như điện thoại. Do vậy, nhiều người chưa có lòng tin với mua sắm trực tuyến.

Đưa ra giải pháp, ông Quyền cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong thanh toán không dùng tiền mặt. Những nội dung cần hoàn thiện không chỉ là hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động thanh toán nói chung trong nền kinh tế, cả thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt, mà cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần thay đổi thói quen và nhận thức tiêu dùng của người dân. Muốn phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này.

Đồng thời, theo ông Quyền, cần có giải pháp cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng cần tích hợp các loại thẻ với các thẻ thanh toán mà người dân đang sử dụng phổ biến để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và thẻ này có thể sử dụng trong nhiều hệ thống ngân hàng. Để tránh gian lận phát sinh chủ yếu liên quan đến gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả, tiếp sau là các loại hình khác như thẻ mất cắp, thất lạc…

Đông Nghi