Tiêu thụ nông sản - Bài 3: Nắm bắt nhu cầu thị trường cần
Chủ động thị trường
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thủy sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu. Sinh kế của đa số người dân trong vùng phần lớn gắn bó mật thiết với khu vườn, mảnh ruộng, dòng sông quanh nhà và hiệu quả mang lại từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản của khu vực này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Do đó, các đơn vị sản xuất cần một đơn vị có thể nắm bắt thị trường nhanh nhất, hiểu rõ nhu cầu để hướng dẫn nông dân sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường nhất.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, Chánh Thu xuất khẩu các loại trái cây sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc và một số nước châu Á khác. Chính vì vậy, Chánh Thu đã xây dựng vùng nguyên liệu tại các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để có đủ số lượng sản phẩm đạt chất lượng thị trường nhập khẩu yêu cầu. Trong trường hợp một số sản phẩm khách hàng yêu cầu mà vùng nguyên liệu chưa thể đáp ứng được, Chánh Thu liên hệ với các hợp tác xã để đặt hàng. Tuy nhiên, việc liên kết hợp tác này phải được ký kết trước đó, để khi có yêu cầu các hợp tác xã có đủ nguồn hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cung ứng cho Chánh Thu.
“Sở dĩ nông dân cần có sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp hiểu rõ thị trường đang cần cái gì để đầu tư. Việc liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã sẽ tạo ra xu hướng minh bạch và tạo ra giá trị san sẻ lợi nhuận để tiếp tục đầu tư, phát triển bền vững. Theo đó, người nông dân bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đạt các chứng nhận về sản xuất mà thị trường yêu cầu. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, cũng cần thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, bảo đảm chất lượng từng lô hàng…”, bà Ngô Tường Vy chia sẻ thêm.
Đối với nông dân, việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ như một giấy chứng nhận bảo đảm cho an toàn sản xuất của mình. Chính vì vậy, nông dân tích cực thực hiện các quy chuẩn mà doanh nghiệp đưa ra để đáp ứng cho thị trường.
Theo ông Lâm Văn Lam, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bửu Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, kể từ khi cây mía không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn, Hợp tác xã Bửu Long đã chuyển sang sản xuất cây khóm (dứa) và liên kết với Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (WestFood). Doanh nghiệp này cung ứng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch với giá ổn định 5.700 đồng/kg và thu mua cả chồi khóm giống.
“Đến nay, hợp tác xã đã mở rộng diện tích lên 200 ha, đạt mức thu nhập cao từ 100-150 triệu đồng/ha, bà con cũng rất an tâm về "đầu ra" của trái khóm” ông Lâm Văn Lam phấn khởi chia sẻ.
Đầu tư nâng tầm chất lượng
Mặc dù sự liên kết của doanh nghiệp với nông dân là một đảm bảo để sản xuất trở nên hiệu quả, nông dân có thu nhập cao, nhưng các doanh nghiệp hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt là đối với các mặt hàng rau quả tươi sống, doanh nghiệp cần nguồn hàng chất lượng, đảm bảo số lượng để có thể cung ứng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Westfood cho biết, trái cây Việt Nam đã chiếm lĩnh nhiều thị trường trên thế giới; trong đó có nhiều thị trường "khó tính" như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là cơ hội cho trái cây Việt Nam phát triển. Để có thể tận dụng được tiềm năng của các thị trường, bản thân doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ, kho chứa phù hợp với yêu cầu thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Trong năm 2022, Westfood đã trồng được 140 ha dứa MD2, dự kiến đến năm 2028 đạt 1.000 ha. Trong đó, vùng đạt chuẩn Global Gap chiếm 50% diện tích. Ngoài dứa giống King MD2, công ty cũng chủ trương phát triển các vùng nguyên liệu cho sản phẩm chủ lực của công ty như xoài, hạt sen, đu đủ, thanh long.
Do đó, từ nửa cuối năm 2023, Westfood đặt mục tiêu trọng tâm là nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu của khách hàng Trung Quốc, hợp tác, kết nối và đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó góp phần quảng bá, nâng tầm giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thêm vào đó, công ty có kế hoạch khởi công xây dựng nhà máy Westfood tại Hậu Giang đạt chuẩn châu Âu, diện tích đất 70.000 m2 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Điều này, giúp Westfood gia tăng công suất tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới tiêu chuẩn chất lượng cao bên cạnh những sản phẩm hiện có.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vina T&T, rau quả trái cây tươi là lợi thế của Việt Nam. Vina T&T cũng đã đầu tư vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường châu Âu, Mỹ, Australia liên kết với nông dân và hướng dẫn nông dân sản xuất đúng với tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, khi không có công nghệ bảo quản phù hợp để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm thì trái cây Việt Nam cũng chỉ đi được thị trường gần. Ở những thị trường xa, để sản phẩm này lên kệ siêu thị, doanh nghiệp phải tự thân đầu tư công nghệ bảo quản. Đây là chi phí rất tốn kém. Tuy nhiên, nếu nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư công nghệ bảo quản tốt thì sẽ giảm bớt chi phí, tăng cạnh tranh, tăng cơ hội cho trái cây Việt Nam.
“Trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại nông sản tươi sống như rau củ, trái cây thì kho lạnh và kho bảo quản nhiều cấp là điều kiện cần thiết của một đơn vị tiêu thụ. Chất lượng càng tốt, giá trị càng cao, nông dân càng được lợi”, ông Paule Lê, Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail cho hay.
Theo ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhằm thúc đẩy chế biến gắn với phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra định hướng trong giai đoạn 2023-2025, sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi bảo đảm truy xuất nguồn gốc; mã cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng nông sản. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động giao thương, quảng bá, kết nối xuất khẩu tại các khu vực thị trường đang duy trì tốt đà tăng trưởng như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu…/.