Tiểu vùng Mekong mở rộng GMS bao gồm những quốc gia nào?

20:58 | 31/03/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tiểu vùng Mekong mở rộng GMS là khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.

Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng có tên tiếng Anh là Greater Mekong Subregion (viết tắt là GMS). Đây khu vực địa lý bao gồm các quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực của sông Mekong: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan và tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Đây là sự mở rộng của Tiểu vùng sông Mekong vốn không có các tỉnh của Trung Quốc.

Trên thế giới đã có nhiều kỳ tích, nền văn minh, nhiều dự án, chương trình gắn với tên của các dòng sông nổi tiếng. Liên quan đến dòng sông Mêkông đã có tới gần 10 chương trình hợp tác quốc tế, trong đó Chương trình Tiểu vùng Mekong mở rộng được biết đến như là một hình thức liên kết khu vực hiệu quả hơn cả.

Với chiều dài 4.800 km, Mekong là con sông dài nhất Đông Nam Á và lớn thứ 12 thế giới, khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng chảy theo hướng Bắc-Nam qua 6 nước: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Hằng năm, dung lượng nước sông Mekong là 475 tỷ m3, có hơn 100 con sông nhánh đổ vào, tạo tiềm năng lớn về thủy điện. Là vùng giàu tài nguyên, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, Tiểu vùng Mekong vẫn còn là khu vực kinh tế kém phát triển.

Tiểu vùng Mekong có tổng diện tích 2,3 triệu km2, dân số 340 triệu. Tiểu vùng Mekong có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp và là vựa lúa lớn nhất của thế giới. Mức tăng trưởng kinh tế khu vực này cũng rất ấn tượng. Trong năm 2015, bình quân tăng trưởng khu vực này đạt mức 6,1%, trong khi tăng trưởng bình quân của thế giới ở mức 2,5%. 

Tăng trưởng kinh tế trong khu vực không chỉ dựa vào sản xuất lương thực, mà còn được thúc đẩy bởi quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với cơ cấu dân số trẻ, năng động, Tiểu vùng Mekong có lợi thế lớn về nguồn nhân lực và là thị trường tiêu dùng tiềm năng. 

Tiểu vùng Mekong mở rộng GMS bao gồm những quốc gia nào? - ảnh 1
Bản đồ các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng GMS. (Ảnh: Internet)

Khởi nguồn của GMS đưa ta nhớ về nửa thế kỷ trước, đó là vào năm 1957, Ủy ban Mekong (MC) được thành lập gồm 4 nước thành viên nằm ở hạ lưu là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh làm cho sự hợp tác suốt 30 năm rất nghèo nàn. Nói cho công bằng, MC đã khởi xướng nhiều công trình nghiên cứu về sông nước và môi trường như với bất kỳ con sông quốc tế nào. Tuy nhiên, sự khác biệt về ý thức hệ và mưu toan của các thế lực thực dân luôn biến các hoạt động của Mekong mang màu sắc chính trị.

Phải đến năm 1992, theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), một Chương trình gắn tên Mekong là GMS hứa hẹn có tương lai mới được hình thành với các thành viên sáng lập là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Song, vai trò riêng biệt của MC vẫn tiếp nối dẫn đến sự ra đời của Ủy hội sông Mekong (MRC) và đã có hoạt động phối hợp với GMS. Đến năm 2004, một đơn vị hành chính không có sông Mêekog chảy qua là Khu tự trị Quảng Tây (Trung Quốc) cũng tham gia kết nối GMS.

GMS là mô hình kinh điển về liên kết khu vực, là hình thức thể hiện của xu thế “khu vực hóa”, một sự bổ sung và một cách ứng phó với xu thế toàn cầu hóa. Với cơ chế thông thoáng và đa dạng, GMS nhằm đạt tới sự phát triển hài hòa và bền vững giữa kinh tế, môi trường sinh thái và xã hội dựa trên đặc thù của các nước láng giềng có chung biên giới.

Sáng 30/3, các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 có chủ đề "Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng", mang ý nghĩa kỷ niệm 25 năm thành lập hợp tác GMS, xác định hướng đi cho hợp tác nhằm xây dựng khu vực Mekong thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.

Các bên sẽ chính thức thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022 và Khuôn khổ đầu tư khu vực năm 2022. Kết thúc hội nghị, các bên sẽ ra tuyên bố chung.