Tín hiệu tích cực: Các thương hiệu đồ uống Việt Nam liên tục mở chi nhánh ở thị trường quốc tế

Trang Mai 10:03 | 24/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, thế nhưng, cà phê của nước ta chủ yếu được xuất khẩu ở dạng thô, người tiêu dùng thế giới còn chưa biết đến nhiều. Do vậy, những cửa hàng cà phê Việt Nam tại thị trường quốc tế sẽ là dịp để người dân trên thế giới thưởng thức cốc cà phê chính gốc Việt Nam.

Theo báo cáo Xu hướng cửa hàng bán lẻ hiện đại Việt Nam 2023 của Q&Me, số lượng cửa hàng cà phê tại Việt Nam năm 2023 tăng lên nhanh chóng nhờ sự mở rộng mạnh mẽ của các thương hiệu Highlands, Phúc Long, Trung Nguyên E-Coffee. Từ năm 2019 đến năm 2023, số lượng cửa hàng cà phê đã tăng từ 816 lên 1.657 cửa hàng. 

Không chỉ phát triển mạnh tại thị trường trong nước, những thương hiệu cà phê Việt Nam đã có thể vươn ra thị trường quốc tế. 

Điển hình như tại Cộng Cà Phê, vào tháng 3/2018, người sáng lập Lin Tung đã thành lập Kang International có trụ sở tại Singapore để tạo điều kiện cho chuỗi cà phê mở rộng ra quốc tế.

Thương hiệu này đã mở cửa hàng đầu tiên bên ngoài Việt Nam tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 8/2018, trước khi thâm nhập thị trường thứ ba trên toàn cầu vào tháng 11 năm 2019 với cửa hàng tại Kuala Lumpur, Malaysia. Kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 7/2018, đến nay Cộng Cà phê đã mở được tới 16 chi nhánh ở Hàn Quốc. Trong đó riêng tỉnh Busan có 6 cửa hàng, Seoul và Gyeonggi mỗi nơi có 3 cửa hàng.

Mới đây, Cộng Cà phê thông báo sắp mở cửa hàng đầu tiên tại Toronto (Canada) , đánh dấu thị trường quốc tế thứ ba mà chuỗi cà phê này đặt chân tới. Cửa hàng tại Canada sẽ là cơ sở thứ 20 của Cộng Cà phê tại thị trường nước ngoài

Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng, tại diễn đàn "Quốc tế hóa ngành cà phê Việt Nam" do Đại học RMIT tổ chức, Cựu Giám đốc Marketing Cộng Cà phê – Trần Tiến Đạt đã tiết lộ nhiều câu chuyện xung quanh quá trình "vươn ra biển lớn" của thương hiệu này.

"Một trong những câu hỏi đầu tiên phải trả lời đó là liệu chúng ta có phù hợp để thành công tại nước ngoài hay không, hay chúng ta chỉ đơn thuần nghĩ rằng sản phẩm của mình được chấp nhận ở Việt Nam thì cũng sẽ thành công trên thị trường quốc tế. Một trong những câu nói mà tôi rất thích đó là thà tập trung vào chất và lượng, tập trung phục vụ một thị trường trong nước và làm tốt còn hơn tập trung vào nhiều thị trường mà làm hỏng", anh Đạt chia sẻ.

Đến 2017, Cộng Cà phê mới bắt đầu suy nghĩ đến mở rộng thị trường ra nước ngoài. Theo ông Trần Tiến Đạt, đây là thời điểm phù hợp bởi thương hiệu này đã có đủ kinh nghiệm vận hành tại Việt Nam, cũng đã chuẩn bị một kế hoạch triển khai, kế hoạch tài chính rất đầy đủ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới sẽ còn tăng lên trong tương lai.

Trong khi đó, chuỗi Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã bắt đầu có những động thái phát triển tại nước ngoài từ năm 2022 với khởi đầu là Trung Quốc. Hiện Trung Nguyên Legend có hai cửa hàng tại Thượng Hải. Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ cũng có kế hoạch mở rộng qua hình thức hợp tác đầu tư (nhượng quyền), đặc mục tiêu phát triển 1.000 quán tại khắp các tỉnh thành Trung Quốc.

 Cửa hàng Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Mai Trang

Theo nguồn tin của phóng viên, người dân Trung Quốc rất ấn tượng với cà phê Việt Nam. Một số cho rằng cách pha đặc sắc cùng với kỹ thuật tốt đã giúp hạt cà phê giữ được nguyên vị cùng mùi thơm nhẹ, không bị khét. 

Thượng Hải (Trung Quốc) có số lượng quán cà phê đứng đầu thế giới với 7.857 cửa hàng, vượt qua Tokyo (Nhật Bản) và London (Anh). Tháng 9.2022, không gian Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend đầu tiên đã hiện diện trên đường Tây Nam Kinh sầm uất, xa hoa bậc nhất của thành phố này, thu hút đông đảo tín đồ yêu cà phê quốc tế đến trải nghiệm.