The Coffee House, Highlands, Phúc Long... trong cuộc chiến thị phần chuỗi cà phê: những 'miếng bánh' tỷ đô không chia đều

Trang Mai 14:00 | 23/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường chuỗi quán cà phê (Coffee Shop) tại Việt Nam hiện đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết với sự có mặt của hàng chục thương hiệu, trong đó The Coffee House, Trung Nguyên,... đang chiếm ưu thế với vài trăm cửa hàng khắp Việt Nam.

 

Highlands, Phúc Long và Trung Nguyên E-Coffee liên tục mở rộng thị phần

Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ cà phê lớn, theo dữ liệu từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), Tiêu thụ cà phê bình quân đầu người tăng từ 1,7kg cà phê năm 2015 lên gần 3kg trong năm 2023. Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/ năm. Đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/ năm. Đây là cơ hội để ngành cà phê nội địa nói riêng và các cửa hàng cà phê tại Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập của các chuỗi F&B (Food & Beverage) vào thị trường mới chỉ đạt mức 5%. Nguyên nhân là do văn hóa ẩm thực của người Việt ưa thích những quán nhỏ, thuận tiện ở ven đường. Chi tiêu cho thức uống phục vụ tại cửa hàng vẫn còn thấp so với những nước Đông Á, tạo nên cơ hội tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Trong báo cáo thị trường chuỗi các thương hiệu quán cà phê năm 2022, Vietdata đánh giá, bất chấp những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2023 vẫn là một năm đầy sôi động của thị trường F&B Việt. Sau hai năm khó khăn do đại dịch Covid-19, những thương hiệu đồ uống vẫn tồn tại và tìm cách mở rộng quy mô cửa hàng cũng như tăng thị phần trên thị trường.

Dữ liệu phân tích cho thấy số lượng cửa hàng cà phê tại Việt Nam trong năm 2023 đã tăng đáng kể, nhờ vào sự mở rộng mạnh mẽ từ các thương hiệu nổi tiếng như Highlands, Phúc Long và Trung Nguyên E-Coffee.

Riêng trong giai đoạn từ tháng 3/2021 đến tháng 2/2023, 3 chuỗi cà phê dẫn đầu thị phần là Highlands Coffee, Phúc Long và Starbucks đã khai trương hơn 1.000 điểm bán.  

 Ảnh: CTCP iPOS.vn

Báo cáo thị trường F&B năm 2023 của CTCP iPOS.vn công bố tháng 4 mới đây cho thấy, đến hết năm 2023, số lượng quán cà phê/trà tại Việt Nam đạt 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm 2022. Mức tăng này thấp hơn dự đoán đầu năm, do nhiều chuỗi đóng bớt cửa hàng, thu hẹp quy mô. Dù số lượng cửa hàng không tăng nhiều nhưng doanh thu ngành này vẫn tăng trưởng 2 con số, với 11,6%, cán mốc 590.000 tỷ đồng.

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa thương hiệu cũ và đối thủ mới

Không chỉ có sự xuất hiện của các thương hiệu lớn, sự bứt phá của các thương hiệu mới trên thị trường đồ uống Việt như Mixue, Phê La, Katinat, Cheese Coffee... đang khiến cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên không thể dự đoán và khốc liệt hơn. 

Một "ngôi sao mới" đáng chú ý là Katinat Saigon Cafe, đã thu hút nhiều sự chú ý khi vượt qua cả Phúc Long và Starbucks trên bảng xếp hạng các chuỗi đồ uống được quan tâm nhất trên mạng xã hội. Đồng thời, thương hiệu này cũng đã đạt thành tựu 50 cửa hàng, tất cả đều nằm ở vị trí đắc địa và thu hút nhiều khách hàng.

Quy mô thị trường chuỗi nhà hàng và đồ uống tại Việt Nam ước tính đến khoảng 1,3 tỷ USD (tương đương khoảng trên 30.000 tỷ) mỗi năm. Trong khi đó, báo cáo thị trường F&B năm 2023 của iPOS.vn cho thấy doanh thu ngành F&B năm 2023 cán mốc 590.000 tỷ đồng, trong đó ngành đồ uống chiếm 16,52%, tương đương 97.000 tỷ. 

Bước vào thị trường từ những năm cuối của thế kỷ 20, từ một điểm bán cà phê gói chuyển sang hình thành một cửa hàng cà phê, và từ đó Highlands Coffee dần dần được biết đến rộng rãi, và dần trở nên nổi tiếng.

 

Sau hơn 10 năm phát triển, thương hiệu Highlands Coffee đã được chuyển nhượng cho Jollibee và từ đó phát triển một cách mạnh mẽ và Highlands sở hữu nhiều cửa hàng nhất tại Việt Nam vào những năm 2020. Tính đến cuối tháng 5/2024, theo thông tin trên website, chuỗi này có 779 cửa hàng và có sự chênh lệch lớn giữa Hà Nội (175 cửa hàng) và TP HCM (258 cửa hàng).

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Highlands Coffee ghi nhận xu hướng thay đổi liên tục trong giai đoạn 2020 - 2022. Cụ thể. năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt gần 2.150 tỷ đồng. Con số này giảm 19% vào năm 2021 và tăng thêm 38,5% vào năm 2022, đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt gần 80 tỷ đồng. Con số này giảm xuống mức âm 85 tỷ đồng vào năm 2021 sau đó ghi nhận mức lợi nhuận dương trở lại vào năm 2022 với gần 270 tỷ đồng.

Với kết quả này, Highlands Coffee đang chiếm khoảng 11-12% thị phần trong “miếng bánh tỷ đô”.

Cà phê Trung Nguyên Legend là một trong những thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Ra đời năm 1996, đến nay, Trung Nguyên E-Coffee đã có hơn 700 cửa hàng khắp các tỉnh thành trong nước, hơn 1.000 hợp đồng nhượng quyền được ký kết.

 

Doanh thu của Trung Nguyên Legend ghi nhận tăng liên tục trong ba năm. Năm 2020, doanh thu của tập đoàn đạt hơn 4.200 tỷ đồng. Con số này tăng nhẹ 6% vào năm 2021 và tăng thêm 38,5% vào năm 2022, đạt gần 6.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu có sự thay đổi liên tục. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận đạt gần 130 tỷ đồng. Đến năm 2021, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 337%, đạt mức hơn 560 tỷ đồng. Sau đó lợi nhuận sau thuế giảm 23% vào năm 2022, đạt gần 435 tỷ đồng.

Với doanh thu này,Trung Nguyên Legend đang chiếm khoảng 18-20% thị phần. 

The Coffee House là một thương hiệu cà phê độc đáo và phong cách được thành lập vào năm 2014. Chuỗi này tập trung vào việc mang đến trải nghiệm thưởng thức cà phê cùng với một loạt các thực đơn đa dạng như trà, nước ép và bánh ngọt. Xét về quy mô điểm bán, tính đến ngày cuối tháng 5/2024, The Coffee House sở hữu 132 cửa hàng trên toàn quốc.  

 

Năm 2022, doanh thu The Coffee House ghi nhận đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2021 và tăng 8% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu ghi nhận mức âm ba năm liên tiếp. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu đạt âm 111 tỷ đồng. Con số này tăng 124 % vào năm 2021 và giảm xuống mức ở mức âm gần 150 tỷ đồng vào năm 2022.

Phúc Long Coffee & Tea đã trải qua hơn 50 năm phát triển và được thành lập vào năm 1968. Sau khi về tay Masan, Phúc Long được đánh giá phát triển mạnh mẽ. Các cửa hàng flagship đang trên đà tăng trưởng khi Phúc Long đạt con số kỷ lục vào quý IV/2022: mở 23 cửa hàng flagship mới và 2 cửa hàng mini, nâng tổng số cửa hàng flagship lên 111 và tổng số cửa hàng mini lên 21.

Doanh thu thuần của Phúc Long Coffee & Tea đạt hơn 1.700 tỷ năm 2022, cao hơn 260% so với năm 2021. Về lợi nhuận sau thuế, Phúc Long Coffee & Tea ghi nhận xu hướng giảm trong hai năm 2021-2022. Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt gần hơn 60 tỷ đồng. Con số này giảm 18 % vào năm 2022, ghi nhận hơn 50 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2023, báo cáo từ Masan cho biết doanh thu trung bình tháng trên mỗi cửa hàng Phúc Long là 986,79 triệu đồng và gần 33 triệu đồng/ngày, đóng góp hơn 1.535 tỷ đồng vào doanh thu năm của tập đoàn. Thực tế năm 2023, Masan tính toán Phúc Long mang về doanh thu thuần từ 2.500-3.000 tỷ đồng.

Như vậy, doanh nghiệp này đang chiếm 8-10% thị phần tỷ đô. 

Tháng 1/2022, Masan - chủ của chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi Vinmart, Vinmart+ (nay đổi tên thành Winmart, Winmart+) đã chi 110 triệu USD, tương đương 2.500 tỷ đồng để mua cổ phần Phúc Long. Sở hữu 51% cổ phần, Masan trở thành công ty mẹ của cafe Phúc Long. 

Sau khi bắt tay với Masan, định giá của thương hiệu Phúc Long đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng, sánh ngang với các thương hiệu như Highlands Coffee hay Starbucks. 

Starbucks đã nhập khẩu thành công thương hiệu vào thị trường Việt Nam vào năm 2013. Sau 16 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, tính đến nay, thương hiệu này sở hữu 108 cửa hàng trên toàn quốc, tập trung tại các tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng,...

Dù Việt Nam có thị trường cà phê lớn nhất Đông Nam Á tính theo giá trị và số lượng cửa hàng, nhưng cứ 1 triệu người dùng thì mới chỉ có 0,9 cửa hàng Starbucks – tỷ lệ nhỏ nhất đối với Starbucks trong số 6 nền kinh tế chính của khu vực Đông Nam Á.

Giá cả là một trong ba yếu tố giải thích khả năng của các đối thủ địa phương trong việc bảo vệ thị phần của họ trước Starbucks tại thị trường trị giá 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, hương vị và văn hóa uống khác biệt là hai yếu tố còn lại.

Trong khi Starbucks bán một cốc đồ uống chỉ với chút cà phê Arabica, trộn với Siro có giá lên đến 5 USD, thì các đối thủ cạnh tranh lại bán mọi loại cà phê thay thế có thể có giá chỉ 1 USD.

Starbucks Việt Nam có doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế thay đổi liên tục trong ba năm. Cụ thể. năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt gần 700 tỷ đồng. Con số này giảm 21% vào năm 2021 và tăng thêm 87% vào năm 2022, đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt gần 5 tỷ đồng. Con số này giảm xuống mức âm hơn 100 tỷ đồng vào năm 2021 sau đó ghi nhận mức lợi nhuận dương trở lại vào năm 2022, đạt gần 40 tỷ đồng.

 ẢnhL Mai Trang tổng hợp 

Bên cạnh các "ông lớn", sự xuất hiện của các chuỗi như Cộng Cà Phê, Cafe Ông Bầu hayKatinat cũng khiến thị trường Coffee Shop trở nên sôi động. 

Cộng Cà Phê ra đời vào năm 2007, thương hiệu này tập trung vào việc kết hợp giữa hương vị cà phê Việt Nam truyền thống với không gian độc đáo và nghệ thuật. Ngoài sự phát triển trong nước với hơn 60 cửa hàng trải dài từ Bắc vào Nam, Cộng cà phê còn sở hữu 10 cửa hàng tại thị trường quốc tế, cụ thể là Hàn Quốc và Malaysia.

Năm 2022, doanh thu Cộng Cà Phê ghi nhận đạt 11 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021 và giảm 12% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức hồi phục dương. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt hơn âm 5 tỷ đồng. Con số này giảm xuống mức âm 670 triệu đồng vào năm 2021 sau đó ghi nhận mức lợi nhuận dương vào năm 2022, đạt 1 tỷ đồng.

Cà phê Ông Bầu được thành lập cuối năm 2019 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Đây là sự kết hợp giữa 3 doanh nhân lớn, yêu thích và gắn liền với bóng đá Việt Nam. So với các chuỗi cà phê khác, cà phê Ông Bầu có giá hợp lý hơn khá nhiều khi mỗi ly cà phê đá chỉ dừng ở mức 20.000 đồng. Ngoài ra, cửa hàng còn phục vụ thêm các món đồ uống khác như sinh tố, trà sữa trân châu, sữa chua, macchiato,… Đến nay, thương hiệu này cũng sở hữu trên 100 cửa hàng, trải dài từ Bắc vào Nam. 

Doanh thu của Ông Bầu ghi nhận tăng liên tục trong ba năm. Năm 2020, doanh thu của tập đoàn đạt gần 43 tỷ đồng. Con số này tăng 63% vào năm 2021 và tăng thêm 40% vào năm 2022, đạt gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu lại ngược lại khi âm 3 năm liên tục. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận âm gần 25 tỷ đồng. Năm 2021, thương hiệu tiếp tục báo lỗ 55 tỷ đồng, và con số thua lỗ kéo dài sang năm 2022 với 40 tỷ đồng. 

Thành lập năm 2016, Katinat Saigon Kafe được đặt dưới sự quản lý của CTCP Cafe Katinat. Ở thời điểm mới ra mắt, thương hiệu chưa có sự nổi danh bởi họ không tiến hành bất cứ chiến dịch tiếp thị (marketing) rầm rộ nào trên các kênh truyền thông.

Tuy nhiên, bước ngoặt phát triển đã đến kể từ khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ và Việt Nam bước vào thời kỳ “bình thường mới”, được xem là thời điểm mà thị trường F&B tái cơ cấu.

Tận dụng cơ hội này, Katinat Saigon Kafe liên tục mở rộng thêm nhiều chi nhánh. Đến nay, Katinat sở hữu 69 cửa hàng và phục vụ hơn một triệu ly trà và cà phê mỗi tháng.

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Katinat tăng trong 2 năm. Năm 2022, doanh thu thuần của thương hiệu đạt hơn 300 tỷ năm 2022, tăng 403% so với năm 2021. Về lợi nhuận sau thuế, thương hiệu ghi nhận hơn 6 tỷ đồng năm 2021 sau đó tăng mạnh 771% vào năm 2022, đạt gần 60 tỷ đồng.