Bản tin kinh tế ngày 1/10/2020: Diêm Thống Nhất rời sàn chứng khoán

19:04 | 01/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng cao, Diêm Thống Nhất rời sàn chứng khoán từ 21/10... cùng một số thông tin khác sẽ được đề cập trong Bản tin kinh tế ngày 1/10.
 Diêm Thống Nhất rời sàn chứng khoán từ 21/10
 
Bản tin kinh tế ngày 1/10/2020: Diêm Thống Nhất rời sàn chứng khoán - ảnh 1
 
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu  của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất (mã chứng khoán DTN). Theo đó, ngày giao dịch cuối cùng của Diêm Thống Nhất trên sàn UPCoM là 21/10/2020. 
 
Với 2,2 triệu cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu Diêm Thống Nhất hủy giao dịch tương đương 22 tỷ đồng (theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).
 
Nguyên nhân rời sàn chứng khoán của Diêm Thống Nhất được giải thích doanh nghiệp này không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng. 
 
Hiện Diêm Thống Nhất chỉ còn có 45 cổ đông cá nhân, trong khi quy định của Luật Chứng khoán yêu cầu công ty đại chúng phải có trên 100 cổ đông.
 
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa làm Chủ tịch Hội đồng thành viên SATRA

Chiều 1/10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trao quyết định của UBND TPHCM về việc điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (SATRA). Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.
 
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa sinh năm 1980, quê quán: huyện Hóc Môn, TPHCM; trình độ: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Cử nhân Chính trị. 
 
Nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên SATRA, ông Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ, đây là vinh dự và là trọng trách nặng nề, vì thế, ông sẽ cố gắng nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ.
 
Xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng cao
 
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 9/2020 ước đạt 405.780 tấn với 202,725 triệu USD, so với tháng 9/2019 giảm 15,35% về lượng và giảm 3,89% về trị giá. Cộng dồn 9 tháng, xuất khẩu gạo đạt 5,012 triệu tấn, với 2,46 tỷ USD; so với cùng kỳ năm 2019 giảm 0,96% về lượng nhưng tăng 11,41% về kim ngạch.

Về thị trường, trong 8 tháng đầu năm 2020, châu Á vẫn là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam, đạt 2,78 triệu tấn, chiếm 60,74% tổng lượng gạo xuất khẩu. Châu Phi là thị trường khu vực lớn thứ hai, đạt 0,87 triệu tấn, chiếm 19,06%. Mặc dù xuất khẩu sang thị trường châu Âu còn rất khiêm tốn, đạt 0,07 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 1,61%.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là một số thị trường có lượng xuất khẩu tăng mạnh như Tây Ban Nha tăng 219,9%, Pháp tăng 145,8%. Đây được đánh giá sẽ là tiền đề tốt để ta tiếp tục khai thác hiệu quả cơ hội thị trường EU khi Hiệp định EVFTA đã bắt đầu có hiệu lực và triển khai thực thi.

Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.

Exxon Mobil đầu tư nhà máy điện khí LNG hơn 5 tỷ USD tại Hải Phòng
 
Bản tin kinh tế ngày 1/10/2020: Diêm Thống Nhất rời sàn chứng khoán - ảnh 2
 
Dự án mà Tập đoàn Exxon Mobil đầu tư có quy mô lên đến hơn 4.500MW, tổng mức đầu tư khoảng 5,09 tỷ USD và dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2030.
 
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink mong muốn lãnh đạo TP Hải Phòng quan tâm ủng hộ dự án tổ hợp khí LNG - điện Hải Phòng của Tập đoàn Exxon Mobil.

Ông cũng đề nghị thành phố sớm có văn bản gửi Bộ Công Thương để hỗ trợ việc đưa dự án này vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh về phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Dự án tổ hợp nhà máy điện khí LNG có tổng mức đầu tư khoảng 5,09 tỷ USD, sử dụng công nghệ tuabin khí hỗn hợp.

Dư án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 có công suất 2.250MW đưa vào vận hành giai đoạn 2026 - 2027; giai đoạn 2 có công suất 2.250MW đưa vào vận hành giai đoạn 2029 - 2030.

Nhóm công ty của bầu Đức thoái bớt vốn ở HAGL Agrico

Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai vừa công bố thông tin thoái vốn tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

Hưng Thắng Lợi Gia Lai bán 49,5 triệu cổ phiếu (4,5% cổ phần) HAGL Agrico vào ngày 23/9. Sau giao dịch trên, tỷ lệ sở hữu của Hưng Thắng Lợi Gia Lai tại HAGL Agrico từ 8,4% giảm còn 3,9%. Công ty này không còn là cổ đông lớn của HAGL Agrico.

Hưng Thắng Lợi Gia Lai là công ty con với 78,2% vốn thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Hiện Hoàng Anh Gia Lai đang sở hữu trực tiếp 40,8% cổ phần HAGL Agrico. Như vậy, nhóm công ty của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) quản lý tổng cộng 44,8% cổ phần HAGL Agrico sau giao dịch thoái vốn của Hưng Thắng Lợi Gia Lai.

Dù nắm giữ tỷ lệ sở hữu dưới 50%, Hoàng Anh Gia Lai cho biết vẫn nắm quyền kiểm soát HAGL Agrico và hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty nông nghiệp này vào báo cáo tài chính của tập đoàn. Lý do là số lượng thành viên HĐQT HAGL Agrico đại diện phần vốn góp của HAGL vẫn chiếm tỷ lệ quá bán. Đồng thời, ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT ở cả 2 doanh nghiệp.

Lệ Vỹ (T/h)