Tình hình kinh tế của 5 thành phố trực thuộc Trung ương giữa đại dịch COVID-19

Nguyễn Minh Quyết 07:29 | 02/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các TP trực thuộc Trung ương đều đang có những nỗ lực riêng để thu hẹp khoảng cách tăng trưởng với TP HCM. Trong khi Hải Phòng là điểm sáng tăng trưởng trong năm COVID, thì Hà Nội lại gây chú ý với tổng vốn đầu tư công 5 năm tới vượt TP HCM. Cần Thơ cũng vươn lên với dự án FDI 1,3 tỷ USD.

Cả nước hiện có 5 TP trực thuộc Trung ương (TPTTTW) gồm TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Trong khi TP HCM và Hà Nội luôn được biết đến là hai đầu tàu kinh tế khu vực miền Bắc và miền Nam, nhiều năm qua, Hải Phòng và Đà Nẵng cũng đã nhanh chóng tận dụng những thế mạnh để vươn lên trở thành địa phương tăng trưởng tích cực. 

Còn Cần Thơ tăng trưởng và thu hút đầu tư khiêm tốn hơn khi so sánh với 4 TP còn lại nhưng đang nỗ lực để trở thành trung tâm kinh tế của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

TP HCM vẫn giữ vị trí đầu tàu kinh tế. (Ảnh minh họa: VnEconomy).

Xét về tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước, TP HCM vẫn giữ vững ngôi đầu với đóng góp lên tới 22%, theo sau lần lượt là Hà Nội (hơn 16%), Hải Phòng (5,1%), Cần Thơ (1,8%) và Đà Nẵng (1,3%).

Trong năm 2020, cả 5 TP đều lọt top 8 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. TP HCM và Hà Nội lọt top 3, trong khi đó, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ lần lượt xếp thứ 6, 7, 8.

Về mục tiêu GRDP bình quân đầu người đến năm 2025, Hải Phòng gây chú ý với việc đặt mục tiêu cao nhất trong 5 TP và cả nước với 273 triệu đồng.

Tăng trưởng kinh tế qua hai năm COVID-19: Điểm sáng đến từ Hải Phòng

Dịch COVID-19 bùng phát đã tác động lớn đến kinh tế của các TP lớn. Năm 2020, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm đến 9,77%, là TP duy nhất trong 5 TPTTTW tăng trưởng âm. Cần Thơ và TP HCM cũng có mức tăng trưởng không mấy ấn tượng năm 2020, lần lượt là 1,02% và 1,39%.

Điểm sáng đáng chú ý nhất phải kể đến Hải Phòng với mức tăng 11,22%, xếp thứ 2 cả nước sau Bắc Giang (tăng 13,02%).

9 tháng 2021, giai đoạn Việt Nam phải trải qua làn sóng dịch thứ 4 tồi tệ nhất, Hải Phòng vẫn là cái tên nổi bật khi tăng trưởng đạt 12,28%, cao gấp 8,65 lần cả nước cùng giai đoạn (1,42%). Với mức tăng này, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về tăng trưởng 9 tháng, bỏ khá xa các tỉnh, thành khác.

hu hút vốn FDI: Cần Thơ vươn lên nhờ dự án nhiệt điện 1,3 tỷ USD, TP HCM vẫn giữ ngôi đầu bảng

Bức tranh thu hút vốn FDI của 5 TP lớn cũng khá thú vị với việc Hà Nội theo đuổi TP HCM sát sao về tổng vốn cũng như dự án cấp mới. 

Lũy kế đến ngày 20/10, TP HCM hiện đang là địa phương dẫn đầu cả nước với hơn 10.300 dự án FDI còn hiệu lực cùng tổng vốn đăng ký lên tới 48,9 tỷ USD.

Trong khi đó, Hà Nội hiện có gần 6.700 dự án FDI còn hiệu lực cùng tổng vốn đăng ký hơn 36,7 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn quốc về tổng vốn (sau Bình Dương với 36,9 tỷ USD).

Trong 10 tháng đầu năm 2021, Hà Nội thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI, xếp thứ 7 trong Top địa phương thu hút FDI nhiều nhất; TP HCM thu hút 2,7 tỷ USD và đứng thứ hai, sau Long An với 3,6 tỷ USD vốn FDI.

Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng trong những năm qua cũng rất khả quan. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/10, Hải Phòng có 890 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 22,9 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.

Từ đầu năm đến 20/10, TP cảng thu hút 39 dự án FDI cấp mới với tổng số vồn đầu tư hơn 2,7 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước. Trong số các dự án đầu tư vào Hải Phòng năm 2021, nổi bật nhất là việc tăng thêm vốn vào dự án của Công ty TNHH LG Display tại KCN Tràng Duệ với 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD và là dự án FDI lớn nhất TP này.

Tính chung 10 tháng 2021, Hải Phòng lần đầu tiên đuổi kịp tốc độ với TP HCM xét về tổng vốn FDI.

Phối cảnh dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises ở Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 110 triệu USD. (Ảnh: Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng).  

Với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường, lũy kế tới nay, Đà Nẵng có 880 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 5,7 tỷ USD, đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng hút FDI của cả nước. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, Đà Nẵng đã thu hút được 31 dự án FDI mới với tổng vốn 168 triệu USD.

Nhìn chung, tình hình thu hút đầu tư của Đà Nẵng vẫn còn ở mức khá khiêm tốn khi đặt trong tương quan so sánh với các địa phương trên cả nước cũng như ba TPTTTW khác gồm Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng.

Tuy nhiên, chất lượng các dự án đầu tư tại Đà Nẵng luôn được đánh giá cao, chẳng hạn như vào hồi đầu năm, TP Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án lớn, tất cả đều đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp.

Trong đó, có ba dự án FDI đến từ nhà đầu tư Nhật Bản và Mỹ. Đó là dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise với vốn đầu tư 110 triệu USD; Dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International với vốn đầu tư 35 triệu USD; Dự án EPE Packaging Việt Nam tại Đà Nẵng với vốn đầu tư 300.000 USD.

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II 1,3 tỷ USD là dự án FDI lớn nhất từ trước tới nay ở Cần Thơ. (Ảnh: Lương Minh/ Báo Đầu tư).  

Trong những năm qua, Cần Thơ xếp hạng khá thấp nếu xét về thu hút dòng vốn FDI. Nhìn lại thời điểm năm 2017, toàn TP chỉ thu hút 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 26 triệu USD, xếp thứ 43 cả nước. Đến năm 2019, tình hình thu hút FDI trên địa bàn TP có nhiều tín hiệu khởi sắc khi thu hút được 7 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 68 triệu USD, song vẫn đứng thứ 38 cả nước.

Sang năm 2021, Cần Thơ bất ngờ đứng thứ 5 cả nước về hút FDI, vượt các tỉnh thành xưa nay nổi bật trong thu hút FDI như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai... Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng năm 2021, TP dù chỉ thu hút được 4 dự án FDI, song tổng số đăng ký lên tới 1,32 tỷ USD.

Vốn FDI của TP Cần Thơ có bước đột phá lớn trong năm nay chủ yếu nhờ vào dự án “khủng” Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (vốn Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD. Đây cũng là dự án FDI lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Cần Thơ.

Kế hoạch đầu tư công: Hà Nội vượt TP HCM về tổng vốn, Hải Phòng dự kiến chi mạnh

Kề kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của 5 TP lớn, Hà Nội công bố kế hoạch với tổng vốn lên tới 304.700 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần tổng vốn các năm 2016-2020. Kế hoạch này cũng giúp Hà Nội vượt TP HCM về tổng vốn rót vào các công trình hạ tầng. Đà Nẵng và Cần Thơ có kế hoạch tăng nhẹ so với giai đoạn trước. 

Hải Phòng hiện chưa công bố kế hoạch đầu tư công 5 năm tới, nhưng theo Sở KHĐT Hải Phòng, TP dự kiến chi khoảng 95.000 tỷ đồng cho đầu tư công, con số khá cao so với 5 năm trước đó.

Điểm qua loạt dự án nổi bật sắp được đầu tư giai đoạn tới ở 5 TP, Sở GTVT TP HCM vừa đề xuất thứ tự ưu tiên thực hiện 54 dự án hạ tầng giao thông.

Theo đó, đứng đầu vị trí ưu tiên được đề xuất là xây dựng các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3 nhằm khép kín các tuyến đường vành đai. Dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Tiếp theo là ưu tiên các dự án cao tốc, cụ thể cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Chơn Thành (Bình Phước), nhằm kết nối vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP HCM, tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Trong các tuyến đường sắt đô thị, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành. Xây dựng và lắp đặt thang máy tại các cầu vượt bộ hành các nhà ga trên cao tuyến metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án quan trọng của Hà Nội giai đoạn tới. (Đồ họa: Alex Chu).  

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội dự kiến sẽ khởi công mới 12 công trình giao thông trọng điểm gồm các tuyến đường vành đai, cầu vượt sông Hồng, các tuyến đường sắt đô thị,... với tổng vốn đầu tư khoảng 170.852 tỷ đồng.

Dự án nổi bật nhất của Hà Nội là Vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 111,2 km, gồm 102,2 km đường vành đai 4 và 9 km tuyến trên cao nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long.

Dự án có đoạn qua Hà Nội dài 58,2 km, đoạn qua Hưng Yên dài 19,8 km và đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 24,2 km.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 94.127 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (31.904 tỷ đồng), ngân sách địa phương (33.583 tỷ đồng), vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Các dự án cũng đáng quan tâm khác gồm công trình cải tạo quốc lộ 6, đoạn Ba La – Xuân Mai dài 23,1 km, vốn đầu tư 8.113 tỷ đồng, dự kiến được xây dựng trong giai đoạn 2022 - 2027; tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long, nối quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội  - Hòa Bình dài 5,5 km, tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng; mở rộng tuyến đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển vốn đầu tư khoảng 2.824 tỷ đồng; nâng cấp đường 70, đoạn từ Nhổn đến Đại lộ Thăng Long – Hà Đông vốn đầu tư 2.823 tỷ đồng, 

Ngoài ra giai đoạn 2022 - 2026, Hà Nội dự kiến khởi công xây dựng cầu Thượng Cát và cầu Vân Phúc.

Cầu Thượng Cát nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm, chiều dài 4,5 km, vốn đầu tư 9.898 tỷ đồng. Trong khi đó, cầu Vân Phúc nối huyện Phúc Thọ, Hà Nội với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có chiều dài 4 km, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Hà Nội dự kiến tiếp tục xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai với chiều dài 12,5 km, trong đó, đi trên cao 8,5 km và đi ngầm 4 km.

Hải Phòng dự kiến chi mạnh cho các dự án giao thông. (Ảnh: Zing).  

Trong giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng tiếp tục dành nguồn lực hơn 50.000 tỷ đồng để thực hiện 58 dự án giao thông.

Các công trình trọng điểm sẽ được TP đầu tư, thi công trong thời gian tới gồm: Dự án xây dựng tuyến đường Đông Khê 2 (giai đoạn I), đoạn từ ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm - Văn Cao đến đường Lê Lợi; xây dựng tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến ngã 4 Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; xây dựng tuyến đường trục đô thị nối đường liên phường với đường 356 (giai đoạn II) quận Hải An.

Ngoài ra, còn có các dự án xây dựng cầu Rào I; xây dựng tuyến đê tả sông Cấm đoạn từ Km25+000 đến Km31+741, huyện Thủy Nguyên; xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển qua địa phận TP Hải Phòng từ tỉnh lộ 353 đến cầu Thái Bình (Km0-Km19+645); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền.

Chính phủ dồn lực cho hạ tầng giao thông Cần Thơ và miền Tây những năm tới. (Ảnh: Thanh niên).  

Về các dự án giao thông được khởi công mới, Cần Thơ sẽ có 15 dự án. Đáng chú ý phải đề cập đến đường vành đai phía tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 với quốc lộ 61C) có tổng số vốn đầu tư dự kiến 3.392 tỷ đồng. Tiếp theo là dự án xây dựng và nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 917 (quận Bình Thủy và huyện Phong Điền) có vốn đầu tư trên 994 tỷ đồng,... Mới đây nhất, TP Cần Thơ cũng đã có đề xuất xây dựng cầu Ô Môn bắc qua Sông Hậu nhằm kết nối với tỉnh Đồng Tháp.

Bên cạnh giao thông nội vùng ĐBSCL, Cần Thơ còn đón nhận loạt dự án trọng điểm quốc gia mang tính kết nối liên vùng, hứa hẹn thay đổi diện mạo kinh tế - đô thị.

Trong đó, hai tuyến cao tốc quan trọng là TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị thông xe và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Đây là hai tuyến cao tốc giúp Cần Thơ kết nối thông suốt với TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thuận tiện tối đa về giao thương, vận tải hàng hóa cho toàn vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, các dự án xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cùng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ dài hơn 173 km trị giá 10 tỷ USD cũng đang được xúc tiến đầu tư. Tất cả sẽ biến Cần Thơ thành một đầu mối giao thông hiện đại, kết nối liên vùng xứng tầm với tiềm năng sẵn có.

Với Đà Nẵng, sắp tới TP dự kiến đầu tư 10 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics. Trong đó, dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị có tổng vốn đầu tư dự kiến 12.636 tỷ đồng; dự án Đưòng hầm qua sân bay Đà Nẵng có vốn đầu tư dự kiến là 8.228 tỷ đồng; dự án hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn như hệ thông tàu điện ngầm, hệ thống xe điện bánh sắt Tramway có tổng vốn đầu tư dự kiến 54.500 tỷ đồng.

Các trung tâm logistics cũng sẽ được đầu tư gồm: Trung tâm Logictics Cảng Liên Chiểu, Trung tâm Logistics Cảng Hàng không quốc tể Đà Nẵng, Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao, Trung tâm Logistics ga hàng hoá Kim Liên;...