GDP cả năm có thể tăng 8,5% nếu quý III, IV tăng trưởng trên 9%

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025. (Ảnh: VGP).
Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025, theo Báo Chính phủ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã xác định năm nay phải đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên. Vừa qua, dưới sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 7,52%.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn từ nội tại nền kinh tế, do đó phải phân tích, thảo luận, đánh giá để tìm ra giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tìm ra cơ cấu, mô hình tối ưu nhất trong bối cảnh quốc tế hiện nay cũng như điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tại hội nghị này, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, qua đó đạt hai mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm.
“Các đại biểu thảo luận đánh giá về khả năng đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025; muốn đạt được mục tiêu này thì phải làm gì; từ đó phải xác định các trụ cột tăng trưởng, các động lực tăng trưởng, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tập đoàn kinh tế, các thành phần kinh tế đều phải nỗ lực, đều phải tiến lên”, Thủ tướng nêu rõ.
Các địa phương cần đạt GRDP cao hơn so với mục tiêu
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, với kịch bảo tăng trưởng cả năm đạt 8,3-8,5%. Bộ ước tính tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6-0,9%); quý IV đạt 9,1-9,5% (cao hơn kịch bản 0,7-1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm, gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 13% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 17% trở lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Theo đó, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25 của Chính phủ, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước như: Hà Nội tăng 8,5% (cao hơn 0,5%), TP HCM 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)…
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP).
Về giải pháp, Bộ trưởng nêu rõ trong thúc đẩy đầu tư, cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội là khoảng 111 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 8%.
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 700.000 tỷ đồng). Các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025 và số vốn được giao bổ sung năm 2025 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSNN năm 2024 (khoảng 152.700 tỷ đồng).
Đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước 8%; thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD; đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD.
Về thúc đẩy đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 198 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và các chương trình hành động của Chính phủ.
Trong nhiệm vụ này, Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 (khoảng 16%) trong trường hợp cần thiết, bảo đảm vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các gói 500.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, gói tín dụng cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội….
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ, giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, nhất là các dự án lớn…
Về giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu giải ngân vốn hằng tháng đến từng chủ đầu tư; kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh của từng dự án. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý III đạt 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2025 đạt 100% kế hoạch.
“Cần thúc đẩy tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường trong nước; tăng cường xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa với các nước, tạo các động lực tăng trưởng mới…”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.