Tính khả thi của gói hỗ trợ 26.000 tỷ ra sao?

15:15 | 04/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tuy đánh giá cao về việc rút gọn thủ tục nhưng vẫn xuất hiện những ý kiến tranh cãi về độ hiệu quả về gói hỗ trợ mới nhất của Chính phủ.

Ngày 1/7, Chính phủ thông báo đã ban hành Nghị quyết số 68 với nội dung chính là gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động, doanh nghiệp với 12 chính sách mới ban hành trực tiếp hỗ trợ tiền mặt một lần cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng do ảnh hưởng dịch, nhóm yếu thế như lao động nữ mang thai, các F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng do dịch…

Tinh thần chung nhất của gói hỗ trợ lần này theo các chuyên gia chính là giảm tính khắt khe trong xét duyệt, tức điều kiện dễ hơn. 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế phân tích với báo Dân Việt: Gói 62.000 tỷ năm ngoái, người lao động, doanh nghiệp, phải kê khai, chứng minh rất nhiều và rất vất vả. Người xét duyệt thì cố làm cho đúng không bị sai quy định, chứ chưa hẳn là cố để tiền hỗ trợ đến được tay người cần. Đây cũng chính là lý do gói 62.000 tỷ bị đánh giá là không thành công và chậm trễ trong triển khai.

Tính khả thi của gói hỗ trợ 26.000 tỷ ra sao? - ảnh 1

Các đối tượng lao động tự do sẽ nhận được tiền hỗ trợ lần này nhanh và kịp thời hơn. Ảnh minh họa, nguồn: Báo Lao động

Trong khi đó, gói 26.000 tỷ lại quy định về thời gian "dễ thở" hơn, ví dụ thời gian hoãn tạm nghỉ không lương giảm xuống 15 ngày, hộ kinh doanh chỉ yêu cầu thời gian ngừng hoạt động từ ngày 15 ngày trở lên đã được nhận trợ cấp... Đặc biệt, thời gian giải quyết và số lượng hồ sơ kê khai đã giảm mạnh so với đợt trước, trung bình doanh nghiệp và lao động chỉ cần 5-10 ngày từ khi nộp hồ sơ cho đến khi phê duyệt kinh phí. Qua đó, tiền hỗ trợ sẽ được giải ngân nhanh hơn. 

Các đối tượng được hưởng lợi nhất từ đợt cứu trợ lần này gồm những người bán hàng rong, lao động tự do, người bị cách ly, một số lao động bị mất việc, không lương bởi đợt dịch lần này như giáo viên mầm non, hướng dẫn viên du lịch... 

Nhưng vẫn còn nhiều việc cần giải quyết

Tuy được đánh giá là có nhiều điểm tích cực với người lao động nhưng tuy nhiên trong gói hỗ trợ mới lại xuất hiện những điểm chưa hợp lý "làm khó" doanh nghiệp. 

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã chỉ ra điều kiện để doanh nghiệp vay trả lương cho lao động mất việc, ngừng việc vì Covid-19 và phục hồi sản xuất hiện chưa hợp lý.

Điểm bất cập lần này được chỉ ra là doanh nghiệp muốn vay theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng thì phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Trong khi theo pháp luật về thuế đã nêu cụ thể doanh nghiệp có thể quyết toán thuế chu kỳ 3-5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh khó khăn về tài chính nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 cho dù doanh nghiệp chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là một điều chưa hợp lý.

Về phía doanh nghiệp, họ cũng bày tỏ nỗi lo lắng riêng, nhất là một số đơn vị hoạt động trong ngành vận tải bị chịu ảnh hưởng nhất bởi đại dịch. 

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ sự lo lắng với Thông tấn xã Việt Nam rằng: "Để vực dậy ngành vận tải, Chính phủ cần tiếp tục nới lỏng các điều kiện, đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ lần này. Việc triển khai chính sách này như thế nào đang là vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Mặc dù lần này người đứng đầu ngành Lao động Thương binh và Xã hội cam kết giảm tối đa các thủ tục, song ngân hàng không dễ dàng xuất tiền cho vay nếu họ không nắm được đằng chuôi". 

Nghiên cứu kỹ hơn Nghị quyết 68 thì nhiều hãng vận tải có nguy cơ không thể nhận được khoản tiền hỗ trợ. Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh Hà Nội thẳng thắn chỉ ra điểm bất cập ở điều kiện và rào cản ngặt nghèo để vay vốn: Các công ty kinh doanh dịch vụ taxi có thể không tiếp cận được bởi quy định nêu rất rõ chỉ áp dụng hỗ trợ đối với những doanh nghiệp dừng hoạt động để cách ly, người lao động bị cách ly, giãn cách, số lượng xe dừng hoạt động 100%.

Tuy nhiên, taxi Mai Linh 50% dừng hoạt động, còn lại chỉ được phép chở 50% số chỗ ngồi. Với tâm lý người dân sợ không sử dụng các dịch vụ chở khách công cộng thì doanh số sụt giảm tới 80%, nên bản chất có hoạt động cũng như không. 

Một điểm khác chính là quy định lại yêu cầu đồng thời người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng tại thời điểm đề nghị vay vốn. Ông Lê Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Thanh Hóa phản biện lại: "Doanh nghiệp vận tải phải vay vốn tới 60-70% và trải qua mấy đợt dịch COVID-19 đã bị ảnh hưởng nặng nề, xảy ra nợ xấu là đương nhiên. Mỗi lần dịch, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, xe không đi nên ‘đắp chiều’ nằm nhà, tình hình này mà không xét cho doanh nghiệp thì họ sẽ đứng trước bờ vực phá sản". 

Hiện tại, quy định trên vẫn gây nên những phản ứng trái chiều từ phía các doanh nghiệp, Tiến sỹ Cấn Văn Lực lật lại vấn đề: Những doanh nghiệp có nợ xấu thường là những doanh nghiệp khó khăn từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Như vậy, nhóm đối tượng này có cần phải hỗ trợ hay không? Trong khi đó, các tổ chức, DN làm ăn hiệu quả  đã được hệ thống ngân hàng cho giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01 và 03 của Ngân hàng Nhà nước, vì vậy không dẫn tới nợ xấu. Chưa kể, việc cho phép vay vốn các doanh nghiệp hiện đang nợ xấu vẫn là trái luật. 

H.S

Xem thêm: Khi nào người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ?