Toàn cảnh bức tranh hợp tác lao động giữa Việt Nam – Nhật Bản
Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng cả về chiều sâu và chất lượng. Chương trình hợp tác phái cử và thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản giữa chính phủ 2 nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XVI khi các nhà buôn Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh giao thương với Đại Việt. Tới năm 1973, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó, đặc biệt là sau năm 1992, các mối quan hệ về kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa không ngừng được mở rộng, nâng cao. Đặc biệt, sự hiểu biết lẫn nhau giữa 2 quốc gia được gia tăng về chiều sâu và nâng cao về chất lượng.
Bức tranh toàn cảnh hợp tác lao động giữa Việt Nam – Nhật Bản
Chương trình hợp tác phái cử
Kể từ năm 1992, chương trình hợp tác phái cử và tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật bản đã tạo cơ hội giúp hơn 90.000 lượt thanh niên Việt được tới thực tập và làm việc tại Nhật Bản vào năm 2015, đến năm 2018, số lượt phái cử sang Nhật Bản đã lên tới khoảng 160.000 lao động (theo số liệu từ Cục Quản lý lao động Ngoài nước, Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội năm 2015, 2018). Việt Nam cũng trở thành nước có số lượng thực tập sinh được phái cử nhiều nhất trong tổng số 15 nước được phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.
Chương trình hợp tác phái cử và tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng này mang mục tiêu to lớn là nhằm chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản cho Việt Nam thông qua việc tiếp nhận thực tập sinh tại các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tối đa 3 năm. Khi tới thực tập tại Nhật Bản, các thực tập sinh được hưởng hương và các chế độ lao động tương đương với người lao động tại Nhật Bản.
Chương trình phái cử đã đưa nhiều lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản
Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp được phép tuyển dụng những thực tập sinh sang Nhật Bản phải có Giấy phép xuất khẩu lao động được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp và được Cục Quản lý lao động ngoài nước giới thiệu với Tổ chức tu nghiệp Quốc tế Nhật Bản (JITCO). Danh sách các doanh nghiệp này được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Lao động ngoài nước.
Vào năm 2019, tại lễ Ký kết Biên bản hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO) về Chương trình lao động kỹ năng đặc định và Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, hiện nay Nhật Bản được coi là một trong 4 thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc.
Nhật Bản là điểm đến được nhiều lao động Việt Nam lựa chọn
Lý giải cho việc được người lao động Việt Nam ưa thích, nhiều nhận định cho rằng Nhật Bản là quốc gia có nét văn hóa chứa nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, là thị trường có điều kiện lao động rất tốt. Thu nhập bình quân của thực tập sinh khi làm việc tại Nhật Bản vào khoảng 1.200 USD 1 tháng. Nhờ triển khai tốt Chương trương trình phái cử, vấn đề việc làm ở nhiều địa phương tại Việt Nam được giải quyết, chất lượng lao động được nâng cao, đem lại nguồn cung ngoại tệ lớn cho đất nước. Về phía Nhật Bản, quốc gia có dân số già này được tiếp nhận lượng lao động trẻ, giúp tăng năng suất lao động, khiến sản xuất đạt nhiều hiệu quả đáng kể.
Ông Hiroyuki Yagi, Chủ tịch JITCO thông tin, năm 2019, số thực tập sinh Việt Nam chiếm đến 50% số thực tập sinh của các nước sang Nhật Bản làm việc. Đồng thời Nhật Bản cũng là thị trường trọng điểm mà Việt Nam đang đưa lao động đến làm việc. Tháng 4/2019, Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó cho phép tiếp nhận lao động kỹ năng và lao động đặc định nước ngoài vào làm việc tại nước này.
Việt Nam là nước có số lượng lao động tại Nhật Bản đông đảo nhất
Do đó, ông Hiroyuki Yagi cho rằng, chế độ kỹ năng đặc định mới này sẽ song hành với chế độ thực tập sinh kỹ năng đang triển khai và là trụ cột mới trong hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
Chuyến thăm chính thức của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày từ 18-20/10. Đáng lưu ý, Việt Nam là điểm đến đầu tiên được ông Suga lựa chọn đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.
Trong 3 ngày làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Suga Yoshihide đã thực hiện các buổi gặp mặt, tọa đàm, gặp gỡ và nói chuyện với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trao đổi về vấn đề hợp tác giữa 2 quốc gia trong bối cảnh mới của thế giới.
2 Thủ tướng chia sẻ với báo giới về kết quả cuộc hội đàm
Kết thúc buổi tọa đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào sáng ngày 19/10, 2 nhà lãnh đạo quốc gia đã trao đổi với báo giới về việc 2 bên đã ký kết 12 văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế. Phía Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong dự án phát triển đường sắt ở TP. HCM, chuẩn bị xuất khẩu giống quýt của Nhật Bản sang Việt Nam, đồng thời nhập khẩu nhãn Việt Nam sang Nhật Bản.
Chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide mang ý nghĩa to lớn tới việc hợp tác, lao động và phát triển, nhằm thắt chặt mối quan hệ Việt - Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản sang thăm Việt Nam: Ký kết 12 văn kiện thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế
Thùy Dương (t/h)