Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện GELEX: Mục tiêu TOP 1 lĩnh vực điện và hạ tầng Việt Nam
Giới thiệu tổng quan Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex
Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex, thường viết tắt là GELEX, còn có tên tiếng Anh là Vietnam Electrical Equipment Joint Stock Corporation với mã cổ phiếu GEX trên sàn chứng khoán HOSE.
Doanh nghiệp có tiền thân là Tổng Công ty Thiết bị kỹ thuật điện, được thành lập vào ngày 10/07/1990 theo Quyết định số 237 QĐ/CNNg-TCNS của Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương), trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện do Bộ Công nghiệp nặng quản lý.
Trụ sở chính của GELEX ở số 52 Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. Đơn vị hoạt động chủ yếu với hai khối kinh doanh chính gồm:
Sản xuất công nghiệp: Sản xuất thiết bị điện và Vật liệu xây dựng, hướng đến khẳng định vị thế hàng đầu trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình.
Tầm nhìn của GELEX là tập đoàn đa ngành, trong đó chủ lực dẫn đầu thị trường trong nước ở lĩnh vực thiết bị điện, hướng tới khu vực và quốc tế.
Hạ tầng: Sản xuất nguồn điện tái tạo, nước sạch; đồng thời đầu tư phát triển khu công nghiệp bao gồm hoạt động đầu tư nhà ở cho chuyên gia và cho người lao động tại khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho lao động địa phương tại các khu vực lân cận khu công nghiệp, mục tiêu trở thành một trong những nhà phát triển Bất động sản và Khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam.
GELEX đã trở thành trở thành doanh nghiệp đa ngành sau hơn 30 năm phát triển, không ngừng mở rộng và tái cấu trúc hoạt động để tối ưu hóa các nguồn lực. Hiện nay, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Holdings, có giá trị vốn hóa hơn 9000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Tổng công ty hiện nay bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Chủ tịch HĐQT là các ông Nguyễn Trọng Tiếu, ông Nguyễn Trọng Hiền, ông Lương Thanh Tùng và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Văn Tuấn.
Lịch sử hình thành và phát triển của GELEX
Năm 1990, Tổng Công ty Thiết bị kỹ thuật điện thành lập với tiền thân của Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam với tổng số vốn là 177 tỷ đồng. Nhiệm vụ chính của doanh nghiệp thời kỳ này là sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xuất nhập khẩu trực tiếp vật liệu kỹ thuật điện và thiết bị điện.
Năm 2006, theo Quyết định số 27/2006/QĐ-BCN ngày 02/08/2006 của Bộ Công nghiệp, GELEX bắt đầu thay đổi mô hình chi chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – con.
Tổng số vốn điều lệ được tăng lên 500 tỷ đồng với nhiều nhiệm vụ hơn là Kinh doanh bất động sản, dịch vụ khách sạn, du lịch và văn phòng cho thuê; Thiết kế, chế tạo, kinh doanh và sửa chữa các loại thiết bị đo, đếm điện; Kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị, vật tư, phụ tùng điện công nghiệp và dân dụng.
Năm 2010, theo Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 10/08/2010 của Thủ tướng chính phủ, đơn vị bắt đầu thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam. Trong năm này, số vốn điều lệ được tăng lên tới 1.400 tỷ đồng. Nhãn hiệu logo GELEX cũng được đăng ký bảo hộ.
Năm 2015, cổ phiếu công ty chính thức được giao dịch trên Sàn giao dịch Chứng khoán UPCOM – HNX với mã GEX. Doanh nghiệp tăng vốn điều lệ đến 1.550 tỷ đồng, đạt doanh thu là 8.382 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 574 tỷ đồng.
Trong năm 2017, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam tiếp tục tăng vốn điều lệ đến 2.668 tỷ đồng, đạt doanh thu tăng trưởng là 11.984 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 1.658 tỷ đồng.
Tại triển lãm Quốc tế lần thứ 10 về Công nghệ và Thiết bị Điện, khách hàng tham quan gian hàng của GELEX (Vietnam ETE 2017).
Tổng công ty cũng mở rộng hoạt động trong nhiều lĩnh vực như là nước sạch khi M&A Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, Logistics khi M&A Công ty cổ phần Kho vận Miền Nam – Sotrans và Năng lượng khi thành lập Công ty TNHH Một thành viên Năng lượng Gelex.
Cuối năm này, Gelex lên kế hoạch chuyển toàn bộ 266,8 triệu cổ phiếu GEX sang HoSE và tới đầu tháng 1 năm 2018, Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định chấp thuận.
Vào năm 2019, vốn điều lệ đã gia tăng gấp 1,6 lần khi đạt 4.882 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh khi GELEX tập trung đầu tư lĩnh vực vào sản xuất công nghiệp và hạ tầng trong giai đoạn những năm tiếp theo.
Các đơn vị thành viên và liên kết của GELEX
Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam có 2 công ty thành viên bao gồm: CTCP Hạ tầng Gelex và CTCP Thiết bị điện Gelex.
Trong đó:
Danh sách các công ty con của CTCP Hạ tầng Gelex
Công ty Cổ phần Điện mặt trời Mái nhà Việt Nam; Công ty TNHH Một thành viên Năng lượng Gelex Ninh Thuận; Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà; Công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng; Công ty Cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị; Công ty Cổ phần Năng lượng Gelex Đắk Lắk; Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex Tây Ninh; Công ty Cổ phần Dịch vụ Năng lượng Gelex; Công ty Cổ phần Năng lượng Đông Hải; Công ty Cổ phần Phú Thạnh Mỹ; Công ty Cổ phần Năng lượng Điện Mái Nhà; Công ty Cổ phần Điện mặt trời Mái nhà; Công ty TNHH Một thành viên Gelex Land.
Danh sách các công ty con của CTCP Thiết bị điện Gelex
Công ty TNHH Sản xuất Thiết bị lưới điện G-POWER; Công ty Cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam; Công ty TNHH MTV Cadivi Đồng Nai; Công ty Dây đồng Việt Nam CFT; Công ty cổ phần Thiết bị điện (THIBDI); Công ty Cổ phần Sản xuất Thiết bị điện Đông Anh; Công ty Cổ phần Chế tạo Điện Cơ Hà Nội; Công ty Cổ phần Điện Cơ Hà Nội; Công ty Cổ phần Thiết bị đo điện EMIC.
Danh sách các công ty liên kết của Gelex Holding
Tổng Công ty Viglacera – CTCP; Công ty TNHH S.A.S. - CTAMAD; Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn; Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh - Công ty Cổ phần.
Đánh giá cổ phiếu GEX: Tình hình cổ phiếu trong 3 tháng gần đây.
GELEX làm ăn ra sao trong năm 2020?
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2020, Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam đã có những bước đầu hiệu quả trong việc linh hoạt đối phó tình hình biến động phức tạp của thị trường dù chịu ảnh hưởng bất lợi chung của dịch bệnh.
Cụ thể, trong quý 3, doanh thu thuần hợp nhất của GELEX ghi nhận 4.748 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, GELEX hoàn thành 69% kế hoạch năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2019 khi đạt 12.060 tỷ đồng doanh thu thuần.
Tuy vậy, so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp giảm 24,42% khi đạt 557 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng giảm 12,35% khi đạt 1,773 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2020 giảm nhẹ 3,7% khi đạt 14,7%.
Lợi nhuận trước thuế giảm 18% khi đạt 262 tỷ đồng trong kỳ. Lũy kế 9 tháng thì lợi nhuận của tổng công ty đạt 791 tỷ đồng, tương ứng với 107% kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng 2020 của GELEX. Nguồn: Báo cáo tài chính quý 3/2020 - GELEX.
Một số nguyên nhân mà GELEX nhìn nhận cho những dấu hiệu sụt giảm lợi nhuận là do Tổng công ty tiến hành thoái vốn Sotrans với biên lợi nhuận dịch vụ cao trong quý 2.2020, hợp nhất Công ty dây đồng CFT với biên lợi nhuận gia công thấp; tăng chi phí khấu hao khi các dự án nhà máy mới đi vào vận hành; triển khai chiến lược giữ vững và gia tăng thị phần trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh, triển khai hàng loạt các biện pháp hỗ trợ đại lý nhằm kích cầu doanh thu.
Theo Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, GELEX cũng chỉ ra rằng, kịch bản kinh doanh nếu không hợp nhất Viglacera thì kế hoạch lợi nhuận trước thuế 735 tỷ đồng và tổng doanh thu là 17.500 tỷ đồng.
Với những số liệu đã công bố thì GELEX đã hoàn thành được 69% chỉ tiêu doanh thu và vượt 7% kế hoạch lợi nhuận được giao sau khi kết thúc 9 tháng đầu năm 2020.
Trong thời điểm hiện nay, khi mà dịch bệnh được kiểm soát khá tốt, thị trường được đánh giá đang dần đi vào ổn định, GELEX kỳ vọng vào những con số kết quả kinh doanh khả quan hơn trong thời gian tới đây.
Xem thêm: Gelex chính thức thâu tóm thành công Viglacera, lộ diện cổ đông lớn Dragon Capital
Phương Thúy