Top 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam 8 tháng đầu năm

Trang Mai 15:10 | 06/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 8 tháng của năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đến khoảng 30 thị trường, trong đó thị trường lớn tập trung vào Trung Quốc, Philippines, Indonesia.

Theo số liệu Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 7 tháng đầu năm 2023, trong số trên dưới 30 thị trường xuất khẩu gạo thì Philippines là thị trường lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc, Indonesia, Malaysia. Sang tháng 8, những thị trường này tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong xuất khẩu gạo. 

 Top thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ VFA

Trên các thị trường giao ngay,  giá gạo thậm chí đã tăng mạnh hơn rất nhiều. Số liệu cập nhật ngày 31/8 từ VFA, giá gạo xuất khẩu của nước ta tiếp tục được điều chỉnh tăng. Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo 5% tấm và gạo 25% tấm đồng loạt tăng 5 USD/tấn, lên các mức lần lượt là 643 USD/tấn và 628 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo xuất khẩu nước ta vẫn dẫn đầu thế giới và chưa hạ nhiệt, ngay cả khi đã neo cao nhất trong hơn một thập kỷ. So với ngày 19/7, giai đoạn bắt đầu chuỗi tăng phi mã, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đã tăng 20%. Còn so với ngày đầu năm nay, hiện giá gạo 5% tấm đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%; trong khi đó, gạo 25% tấm tăng vọt hơn 43%, với tổng mức tăng tích lũy đạt tới 185 USD/tấn.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Với lượng gạo xuất khẩu 6 – 8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Gạo Việt theo đó được xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Giá gạo cao, doanh nghiệp vẫn kêu càng bán càng lỗ

Thái Lan thường sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo xay, một nửa trong số đó được tiêu thụ trong nước, nửa còn lại thường được xuất khẩu. Mặc dù Chính phủ Thái Lan không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo nhưng các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng đang tỏ ra lo ngại về sự biến động của giá cả và sự không chắc chắn về nguồn cung.

Theo Bộ Công Thương, chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, những diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia đang là những vấn đề tác động mạnh đến thị trường lúa gạo toàn cầu. Thị trường thương mại gạo thế giới vẫn đang chứa đựng nhiều biến động, rủi ro.

Trước các biện pháp ứng phó từ nhiều quốc gia và bối cảnh nguồn cung gạo ngày càng thắt chặt như hiện nay, một số chuyên gia ngành hàng này cho rằng, giá gạo xuất khẩu có thể tăng tiếp. Song từ nay đến cuối năm chỉ quanh mốc 600 – 800 USD/tấn, rất khó đạt ngưỡng 1.000 USD/tấn như 2008. Với Việt Nam, các Bộ, ngành chức năng vẫn giữ vững quan điểm xuất khẩu khoảng 7 – 8 triệu tấn gạo, đồng thời, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, thể hiện uy tín, vị thế của một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị cho rằng việc giá gạo tăng cao không đi kèm lợi nhuận tăng, thậm chí còn khiến việc thua lỗ trầm trọng hơn.

Trao đổi với phóng viên bên lề tọa đàm "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam” sáng 29/8 tại Hà Nội,ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời khẳng định, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ không thể tăng lên trong bối cảnh giá gạo đầu vào cao như hiện nay. Bởi rất ít doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, chủ yếu mua từ nông dân, mua cao bán cao với hoàn cảnh bình thường thì sẽ lãi chênh lệch 1-2%, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại thì hầu hết là lỗ nặng. 

“Doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ không có triển vọng từ nay về cuối năm, bởi trong những tháng còn lại, tại Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ thu hoạch khoảng 2 triệu tấn gạo, số lượng đơn hàng xuất khẩu giao động 6-700.000 tấn. Nhu cầu trong nước cũng tương đương với khoảng 700.000 tấn, như vậy sẽ còn dư khoảng 600.000 tấn. Tuy nhiên giá cao quá, chưa bao giờ lên cao như vậy. Đáng nói là nó lên một cách đồng loạt chứ không lên rồi xuống như trước. Với mức giá này, nông dân sẽ có lợi, còn doanh nghiệp thì rất khó”, ông Thuận nhận định.