TP HCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm y tế lưu động để quản lý và chăm sóc F0
Theo Báo Tin Tức, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai mô hình Trạm y tế lưu động.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận thành phố Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch và sớm triển khai mô hình các Trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn.
Kiểm tra các thiết bị y tế, bình oxy phục vụ người mắc COVID-19 tại Trạm y tế lưu động số 1 tại phường 11, Quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Hoạt động này nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.
Tiếp nối 6 Trạm y tế lưu động đã được thành lập, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đảm bảo tiến độ thành lập các Trạm y tế lưu động còn lại theo hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 thành lập 135 Trạm y tế lưu động tại thành phố Thủ Đức và 13 quận, huyện (Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) đi vào hoạt động trước ngày 24/8; giai đoạn 2 thành lập 225 Trạm y tế lưu động tại các quận huyện còn lại, đảm bảo đi vào hoạt động trước ngày 27/ 8.
Các Trạm y tế lưu động lập danh sách và số điện thoại của những người F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”; thường xuyên điện thoại để nắm bắt tình hình sức khỏe người F0; tổ chức thăm khám trực tiếp và hướng dẫn điều trị tại nhà bằng gói chăm sóc sức khỏe cho người F0 theo hướng dẫn của ngành y tế.
Các Trạm Y tế có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như Nhà văn hóa, Khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân... để làm trụ sở hoạt động của Trạm y tế lưu động; mỗi Trạm y tế lưu động phải bố trí nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết, nhà vệ sinh, khu vực tắm, có nước sạch, điện, chỗ ngủ cho nhân viên y tế và có thu gom rác thải y tế. Mỗi Trạm Y tế đảm bảo ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng....
Sở Y tế cung cấp bình oxy và các túi thuốc điều trị COVID-19 đến các Trạm y tế lưu động, bổ sung các bác sĩ điều dưỡng được tăng cường từ Bộ Y tế, Cục Quân y, Bộ Quốc phòng để hỗ trợ cho thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.
Tăng cường siết chặt giãn cách xã hội
Ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bao gồm 8 nhóm giải pháp chính:
Từ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát việc lưu thông của người dân để đảm bảo công tác chống dịch.
1. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
2. Hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng cần thiết khác của Trung ương, các địa phương cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng của địa phương và các lực lượng hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm đạt mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đã được đề ra tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ; trong đó đặc biệt lưu ý: (a) Đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên; (b) Cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực tăng cường giãn cách xã hội, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; (c) Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch; (d) Bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
3. Thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm toàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan. Ưu tiên cao nhất phân bổ vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vaccine miễn phí, kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch.
4. Đẩy mạnh công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; phát huy vai trò quan trọng của toàn bộ hệ thống truyền thông, tạo đồng thuận xã hội với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; hướng dẫn, động viên, cổ vũ, truyền cảm hứng cho người dân để dân biết, dân hiểu, dân tin tưởng, chia sẻ và tự giác thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc.
5. Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể, khả thi để phối hợp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện nghiêm, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó lưu ý: (a) Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tối đa các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vaccine; cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng người dân; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; (b) Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, của các Bộ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
6. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An khẩn trương thống nhất với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để ban hành Chỉ thị thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 16/CT-TTg và Công điện này về việc thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch: (a) Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đối với toàn bộ xã, phường, thị trấn; các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An căn cứ tình hình dịch bệnh để lựa chọn, quyết định xã, phường, thị trấn để thực hiện; (b) Quyết định những người thực thi công vụ, cung cấp, cung ứng lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu, bảo đảm giảm tối đa số người được phép ra khỏi nhà.
7. Các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất, xuyên suốt và bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn với các lực lượng hỗ trợ của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch; kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện và những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
8. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả để thực hiện Công điện này.
Để thực hiện nghiêm 8 giải pháp trên, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung của Chỉ thị; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc.
Nguyễn Triệu
Xem thêm: Từ hôm nay (23/8), những đối tượng nào ở TP.HCM được phép ra đường?