TP.HCM: Đột phá về sản lượng điện mặt trời
Trong năm 2020, điện mặt trời mái nhà của TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) đạt 245MWP với sản lượng điện 230 triệu KWh, đây là bước đột phá về phát triển điện mặt trời.
Theo báo cáo năm 2013, thành phố bắt đầu có các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) nối lưới đầu tiên chỉ với tổng công suất 200 kWp thì đến hết năm 2019 đã đạt gần 66 MWp. Năm 2020 được xem là đột phá vì tính đến ngày 15/12/2020, thành phố đã đạt tổng công suất 245 MWp (với 12.473 hệ thống ĐMTMN). Tổng sản lượng ĐMTMN phát trong năm 2020 ước tính khoảng 230 triệu kWh, trong đó sản lượng khách hàng tự sử dụng khoảng 161 triệu kWh (chiếm 70%) và sản lượng phát ngược lên lưới được tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) mua lại khoảng 69 triệu kWh (chiếm 30%).
Công nhân đang lắp đặt các tấm pin trong ĐMTMN tại TP HCM.
Đồng thời, công suất lắp đặt ĐMTMN trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 – 2020 đã tăng rất nhanh. Các nguyên nhân chính là: Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ (quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và quyết định số 13/2020/QĐ-TTg). Nhận thức của cộng đồng về ĐMTMN. Chi phí đầu tư giảm, hiệu suất thiết bị tăng. Nhiều đơn vị cung cấp thiết bị, lắp đặt được thành lập. Từ đó, hình thành thị trường ĐMTMN với sự tham gia các nhà đầu tư tài chính, ngân hàng.
Là một trong những trung tâm kinh tế xã hội lớn, TP HCM có tốc độ tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ điện của thành phố luôn tăng hàng năm nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tốc độ tăng trưởng sản lượng điện tiêu thụ toàn thành phố trong giai đoạn 2015 - 2019 là khoảng 5% – 6% năm, tương ứng với tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7% - 9% năm. Trong giai đoạn tiếp theo, dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện tiếp tục tăng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Để tăng cường độ tin cậy, ổn định trong cung cấp điện thì việc phát triển các nguồn điện phân tán là xu hướng phổ biến trên Thế giới. Đối với các thành phố có tốc độ đô thị hóa và mật độ dân số cao như TPHCM thì việc lắp đặt các hệ thống ĐMTMN là giải pháp nguồn phân tán tối ưu và hiệu quả nhất. Các hệ thống ĐMTMN sẽ giúp khách hàng giảm chi phí tiền điện, giảm bức xạ nhiệt giúp làm mát diện tích mái nhà bên dưới. Nếu sản lượng ĐMTMN phát dư, khách hàng có thể bán cho ngành điện với cơ chế giá ưu đãi kéo dài trong 20 năm từ. Về mặt môi trường, ĐMTMN là nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải khí CO2 và góp phần giảm hiệu ứng nhà kính.
Bên cạnh đó, TP HCM nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm tại Việt Nam nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Theo số liệu từ Chương trình Năng lượng xanh TP.HCM: lượng bức xạ trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm; cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100-300 giờ, liên tục trong suốt cả năm.
ĐMTMN góp phần giảm thiểu khí phát thải cải thiện đáng kể ra môi trường.
Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Đối với mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ. Do đó, tiềm năng phát triển ĐMTMN là rất lớn. Theo “Báo cáo Đánh giá kỹ thuật Tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tiềm năng ĐMTMN trên địa bàn thành phố được ước tính vào khoảng 6.300 MW.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Trung Kiên- Phó tổng giám đốc EVNHCMC cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ và EVN, Tổng công ty EVNHCMC đã Tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố lập kế hoạch phát triển ĐMTMN trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh đó, tổng công ty đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy việc phát triển ĐMT áp mái, như: Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc nối lưới, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời; Lắp đặt điện kế 2 chiều và kiểm tra điều kiện kỹ thuật nối lưới miễn phí; Thanh toán đầy đủ và kịp thời tiền bán điện mặt trời cho khách hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng; Quyết liệt nâng cấp hạ tầng lưới điện, bảo đảm tiếp nhận nối lưới, giải tỏa công suất cho tất cả hệ thống ĐMTMN trên địa bàn.
Cùng với đó Tổng công ty còn tăng cườnghợp tác với Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), Ban Quản lý khu công nghệ cao (SHTP) và Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong KCX-KCN thực hiện đầu tư ĐMTMN; Tổng công ty đã chủ động ký hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị ĐMTMN lớn, có thương hiệu để triển khai các chương trình ưu đãi, giảm giá cho khách hàng; Chủ trì tổ chức và tham gia các Hội thảo chuyên đề về ĐMTMN nhằm tuyên truyền cung cấp thông tin và ghi nhận, giải quyết các vướng mắc, trở ngại của khách hàng; Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin: phối hợp EVN phát triển nền tảng EVN Solar; xây dựng các chuyên mục ĐMTMN trên website và các app chăm sóc khách hàng, số hóa các hợp đồng mua bán điện mặt trời; thanh toán điện tử.
Ngoài ra, ông Kiên cũng cho hay mới đây UBND thành phố đã chỉ đạo tấy cả các trụ sở công phải lắp đặt ĐMTMN. Nếu thực hiện tốt việc này không những tạo nguồn điện tại chỗ cho thành phố mà còn góp phần giảm thiểu khí phát thải cải thiện đáng kể môi trường sống nơi đây.
Minh Huệ