TP.HCM kiểm soát được dịch ở 2 đơn vị nhưng chưa thể áp dụng biệp pháp nới lỏng

06:45 | 04/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo ông Phạm Đức Hải Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, sau khi Quận 7, huyện Củ Chi công bố kiểm soát được dịch bệnh không có nghĩa hai quận, huyện này nhanh chóng thực hiện các biện pháp nới lỏng.

Tại buổi họp báo tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 3/9, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP cho biết, những đơn vị đã kiểm soát được dịch tính đến thời điểm ngày 2/9 vẫn chưa thể áp dụng các biện pháp nới lỏng, cần phải chờ đánh giá tình hình chung của các quận huyện còn lại.

TP.HCM đã có kế hoạch phấn đấu từ ngày 15 - 31/8, mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, Quận 5, Quận 7, Quận 11. Ngày 2/9, TP.HCM có Quận 7 và huyện Củ Chi công bố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Đối với 5 quận huyện khác là Cần Giờ, Nhà Bè, Phú Nhuận, Quận 5, Quận 11, TP.HCM sẽ có tổ đi thẩm tra dựa trên tiêu chí của Bộ Y tế để đánh giá xem đạt hay chưa đạt và sau đó đến các quận huyện còn lại.

TP.HCM kiểm soát được dịch ở 2 đơn vị nhưng chưa thể áp dụng biệp pháp nới lỏng - ảnh 1

TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo hàng ngày để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa bàn. 

Ông Phạm Đức Hải cũng cho biết, Quận 7 và huyện Củ Chi công bố kiểm soát được dịch, nhưng vẫn chưa nhanh chóng thực hiện các biện pháp nới lỏng vì phải chờ đánh giá chung của các quận còn lại. Đồng thời, dựa trên trên tổng thể của tổ thẩm tra từ UBND TP mới có thể đề xuất giải pháp tiếp theo là gì.

“Chúng ta chưa thể nói hai đơn vị này có thể được thực hiện nới lỏng, phải chờ tổng thể chung thời điểm nào thì vẫn chưa trả lời được. Đến giờ TP vẫn cố gang phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 15/9”, ông Hải nói.

Theo đó từ ngày 15-8 đến ngày 31-8, huyện Củ Chi ghi nhận 2.327 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.547 trường hợp tại khu vực phong tỏa, 222 trường hợp tại khu cách ly tập trung và 558 trường hợp tại cộng đồng. Tất cả các ca mắc Covid-19 đều được khoanh vùng xử lý kịp thời và được kiểm soát chặt chẽ.

Công tác tiêm vaccine, toàn huyện đạt vượt chỉ tiêu về tiến độ và thời gian đề ra. Tính đến ngày 31-8, tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên của huyện Củ Chi đạt hơn 93% (mũi 1, vượt 23% so với chỉ tiêu TPHCM đề ra) và gần 4% (mũi 2).

Nhằm giữ vững "vùng xanh" cho huyện Củ Chi, huyện tập trung cao độ thần tốc vào xét nghiệm tầm soát, đã thực hiện xét nghiệm đạt 300% qua 3 vòng tại các khu vực "vùng đỏ, cam, vàng"; huyện đang thực hiện xét nghiệm vòng 2 đối với "vùng xanh".

Huyện thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”. Hiện nay, huyện đang phong tỏa 260 địa điểm (gồm hơn 3.200 hộ với hơn 9.100 nhân khẩu), giảm 38 khu phong tỏa so với ngày 14-8. Các khu phong tỏa đều được bố trí lực lượng chốt trực 24/24, thực hiện tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng kết hợp với việc lập chốt giám sát, giám sát thông qua hệ thống camera tại các khu vực phong tỏa, khu nhà trọ, tuần tra xử lý nghiêm để người dân thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh, tình hình giãn cách tại các khu vực phong tỏa cơ bản được đảm bảo.

Về chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, Củ Chi đã chi hỗ trợ cho hơn 117.000 người dân với tổng số tiền gần 162 tỷ đồng. Thực hiện túi an sinh xã hội, qua rà soát có hơn 96.000 hộ khó khăn cần được hỗ trợ và huyện đã chuyển 57.600 phần nhu yếu phẩm do Trung tâm An sinh TPHCM cấp, hơn 399 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để cấp phát tới người dân. Đồng thời, huyện chủ động vận động, hỗ trợ hơn 136.700 phần quà nhu yếu phẩm tới người dân các khu phong tỏa, các hộ khó khăn với tổng giá trị gần 43 tỷ đồng. Các xã, thị trấn chuẩn bị hơn 1.800 túi an sinh chăm lo cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, huyện tổ chức 11 điểm liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện, vừa hỗ trợ nông dân giải cứu nông sản, gia súc, gia cầm, thủy sản, vừa bán tận tay tới người tiêu dùng với giá rẻ, đảm bảo chất lượng. Quy mô hỗ trợ giải cứu nông sản trị giá gần 2,3 tỷ đồng.

Huyện Củ Chi kiến nghị được thực hiện cơ chế tổ chức xét nghiệm tầm soát đối với tất cả các trường hợp từ quận, huyện khác vào "vùng xanh" của huyện (khi chưa có giấy xét nghiệm), để giữ vững "vùng xanh". Đồng thời, được kiểm tra đối với tất cả các phương tiện và người ra vào huyện Củ Chi (kể cả phương tiện có dán mã QR; lực lượng y bác sĩ, công an, quân sự, cán bộ công chức, viên chức, thanh niên xung phong…) để thực hiện nghiêm việc kiểm soát di chuyển, do hiện nay có nhiều trường hợp mắc bệnh đi vào địa bàn nhưng không báo chính quyền địa phương để thực hiện biện pháp phòng chống dịch Covid-19, từ đó làm lây lan dịch trong gia đình và cộng đồng.

Huyện Củ Chi đề nghị TPHCM phân bổ vaccine để huyện tiếp tục tiêm đạt 100% mũi 1 từ nay đến ngày 15-9 và trên 70% mũi 2 cho người dân từ nay đến ngày 30-9 nhằm thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng và bảo vệ "vùng xanh".

Về thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, huyện Củ Chi cũng kiến nghị TP chỉ đạo thống nhất người dân hiện đang ở và đang thực hiện “3 tại chỗ” ở địa bàn quận, huyện nào thì tiêm vaccine tại quận, huyện đó, không để người dân di chuyển từ quận, huyện này sang quận, huyện khác.

Siết chặt kiểm soát việc đi lại

TTXVN cho biết Một trong những giải pháp quan trọng trong việc sớm kiểm soát được dịch COVID-19 lây lan, chính là việc siết chặt việc lưu thông của người dân, thực hiện nghiêm phương châm “ai ở đâu ở yên đó.”

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, việc giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế sự lây nhiễm, các địa phương phải thực hiện nghiêm, kịp thời cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để "ngoài chặt, trong lỏng."

Hiện nay, ngoài 12 chốt trạm khu vực cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh còn có hơn 300 chốt trạm được lập trong khu vực nội đô, nhất là ở những địa bàn giáp ranh các quận, huyện hoặc giữa các phường, xã, thị trấn.

TP.HCM kiểm soát được dịch ở 2 đơn vị nhưng chưa thể áp dụng biệp pháp nới lỏng - ảnh 2

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở TP.HCM

Để kiểm soát việc di chuyển tại các chốt trạm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, bên cạnh lực lượng y tế, công an, quân đội, dân quân, đoàn viên, thanh niên, Mặt trận Tổ quốc các cấp của Thành phố, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng đã tăng cường hỗ trợ nhân lực cho thành phố.

Tính đến ngày 29/8, thành phố đã tiếp nhận 4.666 nhân sự thuộc các bệnh viện của Bộ Y tế điều động; 786 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Công an; 11.177 chiến sỹ, y bác sỹ, bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng và các quân khu.

Lực lượng tăng cường của các bộ thực hiện nhiệm vụ tại các Trạm Y tế lưu động, xét nghiệm, tiêm vaccine, tư vấn hỗ trợ điều trị F0 cộng đồng, tuần tra tại các chốt trạm cũng như tuyên truyền, vận chuyển túi an sinh xã hội… trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, 1.200 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh và 35.000 dân quân đã tham gia các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát.

Lực lượng này còn kiêm thêm cả việc khâm liệm, đưa tro cốt người chết do COVID-19 về với gia đình.

Nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đặc biệt từ ngày 23/8, Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt việc di chuyển khi quy định chỉ còn 17 nhóm đối tượng được ra đường, có giấy đi đường do Công an Thành phố cấp, hoạt động trong khung giờ nhất định.

Các nhóm đối tượng được phép ra đường trong thời gian từ ngày 25/8 đến ngày 6/9, phải mang theo giấy đi đường có đóng mộc sống, có số thứ tự, ký hiệu nhận diện đơn vị công tác, xuất trình kèm chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ công chức, viên chức, thẻ ngành, tại các chốt trạm.

Theo ghi nhận, từ khi triển khai việc cấp giấy đi đường (do Cơ quan Công an cấp), lượng phương tiện lưu thông trên đường hằng ngày đã giảm rõ rệt, chủ yếu là các nhóm đối tượng được phép ra đường theo quy định.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ khi Thành phố tăng cường các giải pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, lượng phượng tiện lưu thông giảm từ 85-90% so với thời điểm chưa siết chặt giãn cách.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ,đánh giá thời gian qua, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến tốt, ý thức chấp hành của người dân và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, các lực lượng có sự chuyển biến tích cực. Lưu lượng tham gia giao thông giảm mạnh so với trước khi thực hiện tăng cường giãn cách xã hội. Phát huy những kết quả này, thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội trong những ngày tới.

Phủ 100% vắc-xin cho người từ 18 tuổi

Báo Người Lao Động thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM vừa ban hành kế hoạch khẩn về tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại TP HCM. Kế hoạch đưa ra mục tiêu trong năm nay, TP HCM sẽ cơ bản hoàn thành tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tính tới ngày 30-6, công dân từ 18 tuổi trở lên tại TP HCM là hơn 7,2 triệu người. Kế hoạch tiêm vắc-xin chia làm 4 giai đoạn.

TP.HCM kiểm soát được dịch ở 2 đơn vị nhưng chưa thể áp dụng biệp pháp nới lỏng - ảnh 3

Ảnh minh họa

Giai đoạn 1 (từ ngày 29-8 đến ngày 5-9): TP HCM cần hơn 2,7 triệu liều để tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người để đạt tỉ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên. Trong giai đoạn này, TP HCM tiêm nhắc mũi 2 cho hơn 2 triệu người đã tiêm mũi 1, gồm: 733.000 người cần tiêm vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer; 485.000 người tiêm Moderna; 31.000 người tiêm Pfizer; 840.000 người tiêm Vero Cell. Số này sẽ tiêm trong thời gian từ ngày 6 đến 10-9.

Giai đoạn 2 (từ ngày 19 đến 30-9): TP HCM cần hơn 1,3 triệu liều vắc-xin để phủ mũi 1 cho 10% còn lại người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người). Đồng thời, tiêm nhắc mũi 2 cho khoảng 656.900 người đã tiêm mũi 1, gồm: 500.000 người cần tiêm vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer; 18.200 người tiêm Moderna; 700 người tiêm Pfizer; 138.000 người tiêm Vero Cell.

Giai đoạn 3 (từ ngày 1 đến 15-10): TP HCM tổ chức tiêm nhắc mũi 2 cho 2,6 triệu người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer.

Giai đoạn 4 (từ ngày 16-10 đến 31-12): tổ chức tiêm nhắc mũi 2 cho 1,4 triệu người đã tiêm mũi 1 (từ ngày 29-8 đến 30-9) theo loại vắc-xin phù hợp.

Để đủ vắc-xin tiêm theo kế hoạch này, ngoài việc tiếp nhận nguồn vắc-xin từ Bộ Y tế, UBND TP HCM giao Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất UBND thành phố đàm phán và mua vắc-xin. Cùng với đó, TP HCM tiếp tục vận động nguồn vắc-xin được tài trợ từ các đơn vị, tổ chức.

Nguyễn Triệu

Xem thêm: Thông điệp 5T của Bộ Y tế có gì đặc biệt?

 

Từ khóa: #Pfizer