CEO Pfizer cam kết bán thuốc giá phi lợi nhuận cho các nước thu nhập thấp
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Giám đốc điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla trấn an rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ gần đây không đáng lo quá nhiều. “Với tất cả những gì tôi biết, tôi sẽ không quá lo lắng về căn bệnh này”, ông Bourla nói.
Cụ thể, CEO Albert Bourla cho hay dữ liệu hiện tại chỉ ra rằng căn bệnh đậu mùa khỉ có vẻ không lây truyền dễ dàng như các loại virus khác, chẳng hạn như virus gây ra dịch COVID-19. Vì thế, rất khó có khả năng tái diễn đại dịch tương tự như COVID-19.
“Điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan,” CEO Pfitzer nói thêm. “Tôi nghĩ chúng ta nên theo dõi tình hình sẽ đi đến đâu.”
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm virus hiếm gặp, đặc hữu ở Trung và Tây Phi, lây lan khi tiếp xúc gần với người, động vật hoặc vật liệu bị nhiễm virus, với các triệu chứng bao gồm phát ban, sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng tấy và đau lưng.
Trong khi hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều nhẹ, thường khỏi trong vòng hai đến bốn tuần, các chuyên gia y tế đã bắt đầu lo lắng trước sự gia tăng đột biến số ca nhiễm gần đây ở các quốc gia không có tiền sử bệnh và bệnh nhân không có du lịch đến các quốc gia có bệnh.
Tính đến 25/5, ít nhất 237 trường hợp xác nhận hoặc nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở các quốc gia bên ngoài châu Phi, bao gồm cả ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - tiểu bang vùng vịnh đầu tiên báo cáo một trường hợp nhiễm.
Tuy nhiên, ông Bourla cho rằng hoàn toàn có lý do để lạc quan với những phương pháp điều trị hiện có. Hiện các mũi tiêm phòng đã chứng minh 85% hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ. Pháp và Đan Mạch là hai quốc gia đang xem xét các chiến dịch tiêm chủng nhắm mục tiêu cho những người có nguy cơ truyền bệnh cao nhất.
Trong một thông báo hôm 25/5, Pfizer cam kết sẽ cung cấp tất cả các loại thuốc đã được cấp bằng sáng chế của mình với mức giá phi lợi nhuận cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. CEO Bourla tuyên bố: “45 quốc gia và 1,2 tỷ người sẽ nhận được tất cả các sản phẩm được cấp bằng sáng chế của chúng tôi với giá gốc.”
Cam kết này nếu được thực hiện sẽ cung cấp 23 loại thuốc và vaccine thuộc sở hữu hoàn toàn, được cấp bằng sáng chế của Pfizer với các bệnh truyền nhiễm, một số bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm và hiếm gặp khác... cho các quốc gia nghèo nhất thế giới. Danh mục thuốc bao gồm vaccine COVID-19 của Pfizer, được phát triển bởi BioNTech.
Ngoài ra trong danh sách này còn có thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid và thuốc điều trị ung thư vú Ibrance, thuốc chủng ngừa viêm phổi Prevnar 13, thuốc trị viêm khớp dạng thấp Xeljanz và thuốc điều trị ung thư Xalkori và Inlyta. Các loại thuốc và vaccine khác sẽ được thêm vào danh sách sau khi được tung ra thị trường.
Pfizer kỳ vọng giúp các quốc gia nghèo có thể tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn với các loại thuốc, vaccine mới và đặc hiệu. Công ty hướng tới hiện thực hóa mục tiêu giảm 50% số người không có khả năng mua thuốc trên hành tinh vào năm 2023.
Theo Quỹ Bill & Melinda Gates, so với các nước tiên tiến, các nước có thu nhập thấp thông thường mất từ 4 đến 7 năm để có thể tiếp cận các phương pháp điều trị mới. Còn theo Pfizer, khoảng 45 quốc gia có thu nhập thấp hoặc nghèo đói trải dài hầu hết châu Phi và phần lớn Đông Nam Á sẽ được đưa vào kế hoạch hỗ trợ của công ty vì một thế giới khỏe mạnh hơn.