TP.HCM: Những tuyến đường nào sẽ được chọn làm 5 tuyến phố đi bộ mới?

11:31 | 25/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Hội nghị phản biện dự thảo Đề án “Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP.HCM", đơn vị tư vấn đề xuất phương án tổ chức đi bộ trên 5 tuyến đường trung tâm, tổng kinh phí hơn 74 tỷ đồng.
Theo TTXVN, tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án “Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24/12, đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án ưu tiên tổ chức đi bộ trên 5 tuyến đường trung tâm với tổng kinh phí hơn 74 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2020-2025.
 
TP.HCM: Những tuyến đường nào sẽ được chọn làm 5 tuyến phố đi bộ mới? - ảnh 1
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
 
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm đề án cho biết, mục tiêu quan trọng nhất phát triển các tuyến phố đi bộ hoặc ưu tiên đi bộ là giảm thiểu tác động của giao thông cơ giới cá nhân; tạo cơ hội phát triển giao thông công cộng phi cơ giới; tăng cường không gian sinh hoạt cộng đồng nhằm phát triển môi trường một cách bền vững.
 
Đề án xác định mạng lưới tuyến đi bộ phải đảm bảo tính kết nối với các phương thức giao thông (giao thông công cộng, phi cơ giới, bãi đỗ xe), kết nối với các công trình lớn và đảm bảo sự di chuyển an toàn và thoải mái cho khách bộ hành.
 
Báo giao thông cho biết qua nghiên cứu, đơn vị tư vấn đưa ra ba phương án gồm: phố đi bộ vào ngày cuối tuần; ưu tiên đi bộ trên các tuyến đường (Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách); phố đi bộ 24/7 trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi.
 
TP.HCM: Những tuyến đường nào sẽ được chọn làm 5 tuyến phố đi bộ mới? - ảnh 2
Sơ đồ 5 tuyến đường phố đi bộ
 
Phương án 1: Phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho quận 1 với một mạng lưới bao gồm phần lớn khu vực nghiên cứu nhưng chỉ cấm xe cộ lưu thông trên một số tuyến đường.
 
Phương án 2: Phố đi bộ ưu tiên cho 5 tuyến đường, gồm: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách. Mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần.
 
Tuy nhiên, cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần.
 
Phương án 3: Phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi. Đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và các đường liên kết là những con đường dành riêng cho người đi bộ.
 
Trong 3 phương án trên, xét về các tiêu chí như: độ an toàn và bảo mật; sự hấp dẫn; đi lại và nhu cầu; kết nối; ủng hộ của cộng đồng thì phương án 2 tối ưu nhất và đang được cân nhắc xem xét thực hiện.
 
Để giảm thiểu ảnh hưởng đi lại của người dân trong khu vực phố đi bộ, đề án đề xuất 3 giải pháp: bố trí chỗ đỗ xe miễn phí cho dân có hộ khẩu trong khu vực phố đi bộ; cho phép người dân đi xe di chuyển tốc độ <10km/h để về nhà hoặc cấp giấy lưu hành đặc biệt cho người dân.
 
Ngoài bãi đậu xe hiện có (cả trên đường, bãi xe tập trung, hay trong các tòa nhà), có 2 khu vực đỗ xe tạm thời sẽ được thiết lập tại một số vị trí xung quanh chu vi của mạng lưới phố đi bộ. Ngoài ra, một số vị trí đỗ xe trên đường được đề xuất dọc theo phần lớn các đường phố trong mạng lưới. Đề án cũng đề xuất lắp wifi miễn phí trong khu vực phố đi bộ để nâng cao tiện ích cho du khách.
 
TP.HCM: Những tuyến đường nào sẽ được chọn làm 5 tuyến phố đi bộ mới? - ảnh 3
Phố đi bộ Bùi Viện, Q.1 mở từ tháng 8/2017, đón hơn 1.000 khách tham quan vào cuối tuần.
 
TP.HCM hiện có 2 phố đi bộ là phố Nguyễn Huệ và Bùi Viện. Phố đi bộ Nguyễn Huệ hoạt động từ tháng 4/2015, mỗi ngày có hàng nghìn người đến tham quan. Đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội đường phố, diễu hành, đường hoa hàng năm.
 
Phố đi bộ Bùi Viện hoạt động từ tháng 8/2017, đón hơn 1.000 khách tham quan, vui chơi vào những ngày cuối tuần, trong đó có nhiều du khách nước ngoài nên được gọi là "phố Tây".
 
Nguyễn Triệu

ĐỌC NHIỀU