TP.HCM sẽ đề xuất cơ chế tiếp tục xây dựng tập đoàn kinh tế mạnh
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM sẽ đề xuất cơ chế tiếp tục xây dựng tập đoàn kinh tế mạnh và sẽ hình thành doanh nghiệp đầu đàn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp FDI vào TP.HCM thực chất là doanh nghiệp nhỏ
Theo zingnews.vn, ngày 19/3, tại hội nghị sơ kết hoạt động của tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước đã trình bày những khó khăn khi đầu tư ở TP.HCM.
Tổ công tác do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, làm tổ trưởng. Thành viên là các phó chủ tịch UBND TP và thủ trưởng các sở, ngành chủ chốt. Đây là mô hình đầu tiên trên cả nước được lập nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Phước Tổng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP.HCM, tâm tư về việc doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Ông Tống cho rằng thành phố cần thẩm định sâu sắc hơn trong việc mời gọi, thu hút đầu tư doanh nghiệp FDI.
Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp FDI vào TP.HCM thực chất là doanh nghiệp nhỏ. Việc thu hút các doanh nghiệp này không mang lại nhiều giá trị gia tăng và khiến môi trường cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước có quy mô tương tự trở nên khốc liệt hơn.
Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát biểu ý kiến tại hội nghị.
"Có thời điểm doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc rất tốt với doanh nghiệp FDI. Nhưng khi xuất hiện một doanh nghiệp FDI mới, cùng ngành nghề, cùng quốc tịch với họ vào Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam mất hết. Chính doanh nghiệp FDI không mang lại lợi ích mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp trong nước", ông Tống nhận định.
Còn Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM Nguyễn Quốc Bảo nêu thực tế vì thủ tục hành chính mà nhiều doanh nghiệp không dám làm dự án quy mô lớn, chỉ căn chỉnh sao cho dự án có quy mô vừa vừa. Nguyên nhân là dự án quy mô lớn sẽ phát sinh nhiều vấn đề phải xin ý kiến Trung ương, trong khi đó, thủ tục giữa thành phố và Trung ương vẫn còn nhiều ách tắc.
Nêu góp ý tại hội nghị, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, cho rằng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần xem xét rút ngắn thời gian cách ly cho những chuyên gia, doanh nhân quốc tế đã tiêm vaccine nhập cảnh vào Việt Nam.
"Một chương trình thí điểm cho phép giảm hoặc miễn cách ly với người đã được tiêm chủng đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái hòa nhập, mở cửa du lịch và phục hồi kinh tế của Việt Nam", bà Mary nêu ý kiến.
Dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đang giảm
Tiếp thu những khó khăn và góp ý của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian qua, TP.HCM là địa phương được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đang giảm.
Ông Phong cho biết thành phố nhận thức rõ những khó khăn của doanh nghiệp nhưng có một số vấn đề vượt quá thẩm quyền của UBND TP.HCM, phải xin ý kiến Trung ương. Do đó, ông mong các doanh nghiệp hiểu và chia sẻ.
"Về phía thành phố, chúng tôi nhận thức những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì sẽ đeo bám kiến nghị để làm sao tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư trên địa bàn. Vì hiệu quả nhà đầu tư càng cao thì càng thúc đẩy kinh tế phát triển", ông Phong chia sẻ góc nhìn.
Theo Chủ tịch Phong, những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM không đạt thứ hạng cao, đặt ra nhiệm vụ cho lãnh đạo thành phố phải làm sao để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao điểm chỉ số thành phần trong PCI. Do đó, ông khẳng định TP.HCM rất chân thành, có thiện chí lắng nghe doanh nghiệp góp ý cho môi trường đầu tư của thành phố.
"Không phải trong nước hay ngoài nước, mà cứ nhà đầu tư thì rất trân trọng", ông Phong khẳng định và gửi lời cảm ơn đến các nhà đầu tư vì đã chọn TP.HCM là điểm đến.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Chủ tịch Phong cho biết thành phố hiện có 440.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Trong đó, 96,4% là doanh nghiệp trong nước; 3,6% là doanh nghiệp nước ngoài. Đáng chú ý, chỉ 2,2% doanh nghiệp tại TP.HCM có vốn hơn 1.000 tỷ đồng nhưng chiếm khoảng 70% tổng số vốn đăng ký.
"Điều này đặt ra yêu cầu phải hình thành doanh nghiệp đầu đàn theo mô hình 'đàn sếu bay' đi đôi, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh hội nhập", Chủ tịch Phong định hướng.
Sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp thể mở rộng tầm khu vực
Ông Phong cho biết sắp tới, TP.HCM sẽ đề xuất cơ chế để tiếp tục xây dựng tập đoàn kinh tế mạnh. Vừa qua TP đã tổ chức bình chọn Thương hiệu vàng. Sắp tới, địa phương sẽ đề ra cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp này có thể mở rộng ra tầm khu vực.
Đối với các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu phải giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục phản ánh của doanh nghiệp so với quy định hiện nay. Với những góp ý của các doanh nghiệp, ông Phong giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn thiện kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư năm 2021 để trình UBND TP và ban hành trước ngày 31/3.
Việc TP.HCM xin chủ trương nâng cấp 5 huyện lên quận cũng không nằm ngoài mục tiêu tạo động lực cho nhà đầu tư đến với các vùng đất này.
TP.HCM xin chủ trương nâng cấp 5 huyện lên quận
Theo Cục Thống kê TP HCM, hai tháng đầu năm chỉ có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 115 triệu USD.
Cùng kỳ năm ngoái, số lượng dự án đăng ký mới đến 186. Vốn đầu tư hầu hết tập trung vào lĩnh vực bất động sản, trong đó Hà Lan chiếm 70,1% và Singapore chiếm 29,6%.
Ngoài các dự án cấp mới, từ đầu năm đến ngày 20/2, thành phố ghi nhận 22 dự án điều chỉnh vốn thêm 53,3 triệu USD và 168 lượt góp vốn mua cổ phần xấp xỉ 170 triệu USD.
Tổng vốn nhà đầu tư nước ngoài rót vào thành phố trong hai tháng đạt gần 338 triệu USD, bằng khoảng 70% so với cùng kỳ. Các ngành nghề được quan tâm nhiều nhất là bất động sản, khoa học công nghệ, chế biến chế tạo, giáo dục.
Theo đánh giá của Cục Thống kê TP HCM, nguyên nhân sụt giảm dự án mới là do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại những quốc gia là đối tác đầu tư lớn. TP HCM đứng thứ 8 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này, xếp sau các tỉnh, thành gồm Cần Thơ, Bắc Giang, Bình Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Đồng Nai. Nếu tính theo số lượng dự án thì thành phố xếp thứ 10, kém xa Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh.
Năm ngoái, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP HCM đạt 4,36 tỷ USD và giảm gần phân nửa so với 2019. Số lượng đăng ký cấp phép mới giảm 28%, chỉ đạt 950 dự án. Singapore vẫn là đối tác đầu tư lớn nhất của thành phố khi rót hơn 1,1 tỷ USD, chiếm hơn 26%. Một số quốc gia còn lại trong danh sách này là Hàn Quốc, Nhật Bản, British Virgin Islands, Cayman Islands, Hà Lan, Mỹ..
Minh Hoa
Xem thêm: