TP Hồ Chí Minh bắt mạch sản xuất công nghiệp - Bài cuối: Tái tạo giá trị giá tăng mới

Mỹ Phương/TTXVN 11:01 | 28/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ở giai đoạn tới, phát triển ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh được định hướng tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành nghề, lĩnh vực, công đoạn có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số.

Đồng thời, ngành công nghiệp thành phố cũng sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó làm nền tảng cơ sở thúc đẩy phát triển những nhóm ngành công nghiệp khác.

Chiến lược tái cơ cấu ngành

Sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao tại Cty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (Nhật Bản) trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh (tư liệu): Thanh Vũ/TTXVN

Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và tỷ trọng đóng góp cao trong toàn sản xuất công nghiệp cả nước. Vì vậy, định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói chung, thúc đẩy 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng, được kỳ vọng là chiến lược phát triển cộng đồng doanh nghiệp bền vững và có năng lực dẫn đầu ngành.

Theo đó, định hướng phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 là rất cấp thiết, phục vụ cho mục tiêu tạo cơ sở xác định sản phẩm chủ lực và công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với xu hướng thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để cụm ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh cần tiếp tục thực hiện giải pháp kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất đầu cuối với doanh nghiệp hỗ trợ. 

Ở góc độ ngành, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su Tp. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, ngành cao su - nhựa Tp. Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò trung tâm kinh tế khoa học kỹ thuật với nhiều ngành nghề đa dạng khác nhau, nơi tập trung cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, sự phát triển công nghiệp 4.0 tạo điều kiện tiếp cận và tương tác với khách hàng toàn cầu; tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong hoạt động sản xuất, quản lý, thương mại, logistics...  

Điển hình, giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050, ngành cao su - nhựa Tp. Hồ Chí Minh đón nhận nhiều cơ hội phát triển nâng cấp tiêu chuẩn về cả chất lượng về công nghệ, giá trị gia tăng lẫn số lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu. Sự tách rời của những liên kết tại một số nền kinh tế trước đây do làn sóng dịch chuyển địa điểm sản xuất, tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại cơ hội cho Việt Nam là một trong những điểm đến của ngành cao su - nhựa. 

Thống kê, ngoài giữ vững mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... thì sản phẩm cao su - nhựa của Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang khoảng 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Song song đó, nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia cũng là yếu tố tích cực giúp sản phẩm cao su - nhựa Việt Nam tăng khả năng khi xuất khẩu sang những thị trường khác. 

Tương tự, ở ngành ngành chế biến lương thực - thực phẩm, chuyên gia dự đoán rằng, những yếu tố tác động đến ngành trong thời gian tới là thu nhập người dân và mức chi tiêu gia tăng, nhận thức về sức khỏe và tiêu dùng, yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, nguồn nguyên liệu, năng lượng, biến đổi khí hậu... Do đó, chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực - thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 phải bám sát thực tế diễn biến thị trường mới đảm bảo tính khả thi. 

Ngành lương thực - thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh khẩn trương xác định nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, tiềm năng đảm bảo mục tiêu xây dựng giải pháp thu hút đầu tư và định hướng phát triển bền vững. Trong đó, ngành chế biến lương thực - thực phẩm phải tăng năng lực khai thác những điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương... mới có thể tận dụng cơ hội thị trường xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế...

Riêng về định hướng hướng phát triển ngành cơ khí - tự động hóa của Tp. Hồ Chí Minh, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được xác định là đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, doanh nghiệp chủ động nâng cấp quá trình tự động hóa và ảo hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cơ sở hạ tầng... Ngoài ra, ngành cơ khí - tự động hóa Tp. Hồ Chí Minh có thể phát triển sản phẩm và công nghệ trong một số lĩnh vực khuôn mẫu phục vụ sản suất, công nghiệp hỗ trợ; đóng gói vi mạch (cơ khí và vật liệu); cơ khí y sinh; cơ khí - tự động hóa phục vụ nông nghiệp...

Ưu tiên sản phẩm tính cạnh tranh cao

Ở góc bộ ngành, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, trong thời gian vừa qua, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu về kinh tế, thương mại của cả nước đã luôn đồng hành cùng Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình, đề án lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh cũng là địa phương không ngừng nỗ lực thúc đẩy thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với những xu hướng chuyển đổi lớn trên thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ…

Bên cạnh sự phát triển luôn có những tồn tại đòi hỏi có sự bứt phá, nhất là trong những lĩnh vực quan trọng như ngành công nghiệp, nên chính quyền Tp. Hồ Chí Minh chú trọng khai thác những tiềm năng và lợi thế nguồn lực phục vụ phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Cùng với những ngành công nghiệp trọng yếu, ngành công nghiệp thành phố đã từng bước định hướng sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển như ngành công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông; công nghiệp thời trang; công nghệ sinh học; năng lượng sạch... 

Cụ thể, đối với ngành công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số, nhất là nhóm sản phẩm phục vụ cho ngành thương mại điện tử, kinh tế số. Trong khi đó, ngành công nghiệp thời trang sẽ phải đảm bảo mục tiêu Tp. Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm thời trang của cả nước và khu vực.

Còn ngành công nghệ sinh học của Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên vào công nghiệp dược và sinh phẩm, thiết bị y tế, công nghệ chăm sóc sức khỏe mới. Ngoài ra, ngành cũng tập trung nghiên cứu sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị, y học cổ truyền, dược liệu...

Để đạt được những mục tiêu theo định hướng phát triển ngành công nghiệp, sản phẩm công nghiệp ưu tiên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, giải pháp trọng tâm của ngành công thương Thành phố là đa dạng giải pháp phát triển quỹ đất công nghiệp. Trên cơ sở này, ngành hình thành cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuyên đề và hệ sinh thái công nghiệp đa ngành, cũng như phát triển doanh nghiệp "đầu đàn".

Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp liên ngành trong hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng; ưu tiên kết nối vùng và xây dựng vùng nguyên vật liệu bền vững phục vụ các ngành sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, ngành công thương sẽ là một trong những ngành thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; hỗ trợ phát triển nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp ưu tiên... nhằm tạo ra giá trị gia tăng mới cho ngành công nghiệp.

Nhóm giải pháp triển công nghiệp đang được Tp.Hồ Chí Minh triển khai là hình thành, nâng cấp những trung tâm hỗ trợ kỹ thuật chuyên ngành; đề án thành lập khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao... Ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh cũng phát huy hiệu quả cổng thông tin công nghiệp hỗ trợ trong kết nối dữ liệu với Ban Quản lý khu công nghệ cao, Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư...

Theo Viện nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh, đến năm 2030, công nghiệp thành phố về cơ bản phải được tái cơ cấu theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao. Các ngành công nghiệp có tiềm năng và lợi thế được đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị hiện đại; công nghệ tiên tiến, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4... Còn tầm nhìn đến năm 2050, ngành công nghiệp thành phố phải hình thành mối liên kết chặt chẽ về phát triển công nghiệp giữa Tp. Hồ Chí Minh với vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Tp. Hồ Chí Minh giữ vững vai trò trung tâm.

Trong mối quan hệ liên kết vùng, Tp. Hồ Chí Minh tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiêm cứu phát triển và đổi mới sáng tạo... từ đó khuyến khích doanh nghiệp thành phố đầu tư vào vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long ở một số ngành phù hợp. Phát triển công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo mục tiên gắn kết chặt chẽ trong liên kết vùng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hạ tầng công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư...

Riêng giải pháp về cơ chế chính sách, ngoài những cơ chế chính sách Trung ương ban hành, Tp. Hồ Chí Minh sẽ ban hành cơ chế chính sách tập trung khuyến khích phát triển công nghiệp theo mục tiêu và định hướng phát triển công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, thành phố sẽ xây dựng chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở giai đoạn tới, cũng như bố trí nguồn lựuc thực hiện chính sách từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực công nghiệp.