TP. Hồ Chí Minh bố trí vốn khép kín đường vành đai 2

Tiến Lực 19:00 | 25/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đường vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh được quy hoạch từ năm 2007 với chiều dài toàn tuyến 64 km, quy mô từ 6 – 10 làn xe. Đến nay, dự án vẫn còn 4 đoạn chưa được khép kín với chiều dài khoảng 14 km.

Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi UBND Thành phố về đề xuất một số nội dung cấp bách lĩnh vực giao thông vận tải trình HĐND TP. Hồ Chí Minh tại kỳ họp sắp tới; trong đó, kiến nghị ưu tiên bố trí vốn triển khai khép kín vành đai 2 trong giai đoạn 2021 – 2025.

Năm 2020, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức lập, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án xây dựng Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (đoạn 1) và đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (đoạn 2). Tổng mức đầu tư sơ bộ của hai dự án khoảng 17.049 tỷ đồng.

Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, có chiều dài tuyến khoảng 3,5 km; thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư một lần theo lộ giới quy hoạch 67m. Giai đoạn 1 với quy mô tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.591 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng 1.660 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 6.414 tỷ đồng.

Đường vành đai 2 Tp. Hồ Chí Minh được quy hoạch từ năm 2007 với chiều dài toàn tuyến 64 km, quy mô từ 6 – 10 làn xe. Ảnh minh họa: TTXVN

Đoạn 2 từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng có chiều dài tuyến khoảng 2,8 km; thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư một lần theo lộ giới quy hoạch 67m. Giai đoạn 1 có quy mô tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.458 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng 2.281 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 5.515 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến nhu cầu vốn cho hai dự án khoảng 13.639 tỷ đồng (tương đương 80% tổng mức đầu tư dự án) để triển khai thực hiện.

Việc sớm khép kín vành đai 2 góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp khi triển khai công tác thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm khép kín tuyến đường vành đai 2, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND Thành phố thông qua và nguồn dự kiến tăng thêm để trình UBND Thành phố phương án cân đối nguồn vốn ngân sách trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bố trí cho dự án khoảng 13.639 tỷ đồng, để báo cáo HĐND Thành phố xem xét bổ sung các dự án trên vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Phần kinh phí còn lại khoảng 3.410 tỷ đồng sẽ cân đối bố trí trong giai đoạn 2026-2030.

Sở Giao thông Vận tải sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trình Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố (tại kỳ họp dự kiến tháng 3/2022) xem xét, thông qua chủ trương đầu tư công theo quy định.

Đường vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh được quy hoạch từ năm 2007 với chiều dài toàn tuyến 64 km, quy mô từ 6 – 10 làn xe. Đến nay, dự án vẫn còn 4 đoạn chưa được khép kín với chiều dài khoảng 14 km.

Trước đây, đoạn 1 và đoạn 2 dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT. Tuy nhiên, do thay đổi về luật nên hai dự án này được chuyển sang đầu tư công.

Ngoài hai đoạn đang đề xuất bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn tới, đoạn 4 vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh (từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh) với chiều dài tuyến 5,3 km, tổng mức đầu tư 9.240 tỷ đồng đang được cân đối vốn trong thời gian tới.

Đối với đoạn 3, kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 dài 2,75 km, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) từ năm 2017.

Tuy nhiên, dự án thi công khá chậm do vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và cũng đã phải ngừng thi công khoảng 2 năm nay do vướng mắc về thủ tục.