Trách nhiệm an sinh xã hội là nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, không phải lòng hảo tâm

11:29 | 23/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là chia sẻ của PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo tại Hội thảo “Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Trách nhiệm an sinh xã hội là nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, không phải lòng hảo tâm - ảnh 1
Hội nghị “Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh”. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa). 
Sáng 22/5, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh” trong khuôn khổ chương trình “Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng đồng - lần thứ 5”.

Hội nghị là chương trình hưởng ứng việc triển khai Nghị quyết số 70/NQ-CP, ngày 01 tháng 11 năm 2012 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; nhằm mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của doanh nghiệp trong việc tham gia vào tiến trình đảm bảo an sinh xã hội, công tác từ thiện, đạo đức kinh doanh và phát triển bền vững.

Trách nhiệm thành cơ hội…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Xuân Đình - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhấn mạnh: Trách nhiệm an sinh xã hội xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, không phải lòng hảo tâm. Bởi vì, khi tham gia vào quá trình thực thi các quy định về thực hiện trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp sẽ đạt rất nhiều lợi ích.

Đó là góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp: Tạo sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với chính doanh nghiệp và những sản phẩm của doanh nghiệp làm ra. Hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững.

Doanh nghiệp có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: Trong những năm qua, các điều khoản cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã là một phần không thể thiếu trong các cam kết hội nhập. Do vậy, khi doanh nghiệp tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ góp phần tạo cơ hội cho các sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong thời gian đầu nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu và các chi phí liên quan đến chính sách xã hội, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động. Mặt khác, giúp doanh nghiệp cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong xu thế ngày càng có nhiều nước thúc đẩy và triển khai các chương trình quốc gia về mua sắm và tiêu dùng xanh như hiện nay.

Ở cấp độ quốc gia, lợi ích lớn nhất mà quốc gia nhận được thông qua việc huy động các doanh nghiệp tăng cường thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội và tăng trưởng xanh của doanh nghiệp cho phát triển bền vững chính là góp phần nâng cao được lợi thế quốc gia, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Việc doanh nghiệp tăng cường đầu tư, tham gia vào thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ an sinh xã hội và tăng trưởng xanh sẽ góp phần thực hiện thành công các định hướng lớn của Đảng và Chính phủ về “Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”; “tái cấu trúc nền kinh tế”; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Đồng thời, làm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cho tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp như hiện nay thì việc tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc đầu tư các công trình, các giải pháp về bảo vệ môi trường sẽ thúc đẩy chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, làm giảm áp lực chi ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội chính là cơ hội để doanh nghiệp tồn tại và phát triển đã được ông Rad Kivette, Giám đốc điều hành Quỹ Vinacapital Foundation chia sẻ qua kinh nghiệm phát triển thương hiệu của Quỹ.

Trách nhiệm an sinh xã hội là nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, không phải lòng hảo tâm - ảnh 2
Ông Rad Kivette, Giám đốc điều hành Quỹ Vinacapital Foundation chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa). 
Theo ông Rad Kivette, lý do xác đáng cho việc doanh nghiệp phải hỗ trợ hoạt động xã hội là giúp những người đang có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng lý do không kém phần quan trọng khác chính là thực hành xã hội dân sự để tốt cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, 55% người tiêu dùng sẵn sàng trả mức giá cao cho sản phẩm nếu doanh nghiệp thực hiện được trách nhiệm xã hội. 93% doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới đều có báo cáo riêng về trách nhiệm xã hội.

…nhưng chủ động thực hiện vẫn là "điều lạ lẫm"

Theo ông Lê Xuân Đình, hiện vẫn còn một khoảng cách lớn để chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống và được chuyển biến ở một tầm mới. Cam kết của doanh nghiệp và cộng đồng đối với các hoạt động thúc đẩy xanh hóa sản xuất và lối sống còn rất hạn chế. Bởi vì, ở Việt Nam, hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu cả về số lượng, yếu về chất lượng, công nghệ của doanh nghiệp về cơ bản vẫn đang ở giai đoạn áp dụng, chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ.

Cùng với đó, ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm của các doanh nghiệp hiện nay đã lên tới mức báo động, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung đối với việc bảo vệ môi trường còn rất hạn chế.

TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: ngoài một số doanh nghiệp lớn của Nhà nước như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Viettinbank), Công ty Viễn thông quân đội (Vietel), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… xác định thực hiện an sinh xã hội là sự nghiệp của chính bản thân doanh nghiệp, còn lại việc chủ động quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội vẫn là điều "lạ lẫm". Điều này có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là nhận thức hoặc khó khăn từ chính của bản thân các doanh nghiệp.

Đồng tình với các chia sẻ trên, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng điều quan trọng nhất là vấn đề nhận thức, sau đó mới là năng lực của doanh nghiệp.

Nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta (98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) chưa đầy đủ. Doanh nghiệp chưa nhận thức rõ trách nhiệm xã hội chính là năng lực cạnh tranh, năng suất và hội nhập quốc tế. Họ mới chỉ nghĩ một cách sai lầm rằng trách nhiệm an sinh xã hội đơn thuần là chi phí và doanh nghiệp rất thiếu nguồn lực để triển khai.

Doanh nghiệp cần phối hợp với đối tác để không ai bỏ lại phía sau

Tại Hội thảo đã có nhiều chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, chỉ ra những giải pháp căn cơ, quyết liệt, đóng góp cho việc đề xuất, kiến nghị các động lực giúp doanh nghiệp có những giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững thông qua việc thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội.

Trong đó, các ý kiến cho rằng trong bối cảnh mới, doanh nghiệp song hành với việc hiện hiện tốt trách nhiệm cộng đồng, cần phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm, giờ đây doanh nghiệp phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững. Doanh nghiệp phải tính đến việc đồng bộ các yếu tố khi hoạch định chiến lược cạnh tranh của mình, như: y tế, xã hội, môi trường, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng: Hình thức tốt nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững chính là làm tròn bổn phận với xã hội. Doanh nghiệp cần hiểu thực thi trách nhiệm xã hội theo hướng tạo mô hình kinh doanh đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là tài trợ và hỗ trợ.

"Doanh nghiệp cần biết phối hợp với đối tác để không ai bỏ lại phía sau. Chúng ta đang thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua rất nhiều công cụ, đặc biệt là Bộ chỉ số phát triển bền vững trong các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường (gồm 13 chỉ tiêu) để doanh nghiệp soi vào đó", ông Vinh khuyến nghị.

Trăn trở với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Doanh nghiệp tư nhân chính là doanh nghiệp xã hội, là một phần của xã hội nên tất yếu phải có trách nhiệm xã hội. Xã hội cần có trách nhiệm nhìn nhận họ như của chính mình và của toàn xã hội.

Trách nhiệm an sinh xã hội là nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, không phải lòng hảo tâm - ảnh 3
PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa). 
"Chúng ta đang trong giai đoạn "dò dẫm" để thực hiện sự công nhận trên và muốn làm được, cần thực hiện 3 giải pháp trước mắt. Đó là tuyên truyền giáo dục để doanh nghiệp thấy rõ tính hợp lý và tất yếu của trách nhiệm này; tạo cơ chế chính sách để đối xử với doanh nghiệp như là doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội; gắn vấn đề công nghệ với vấn đề tăng trưởng xanh", ông Thắng chia sẻ.