Trái cây Việt Nam dần chinh phục thị trường Hoa Kỳ
Bưởi là trái cây được trồng khá phổ biến ở Việt Nam, từ Bắc tới Nam, trong đó Tây Nam Bộ có diện tích và sản lượng lớn nhất. Bưởi Việt Nam có thể cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt là các vùng phía Nam Việt Nam. Trái bưởi Việt Nam có triển vọng xuất khẩu sang các thị trường nổi tiếng khó tính như Mỹ, Nhật Bản do nguy cơ dịch hại ở quả bưởi thấp.
Ngoài ra, những thị trường lớn chưa phổ biến hoặc không trồng bưởi. Chất lượng bưởi Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước nhờ có vị ngọt vừa phải, hợp với gu tiêu dùng của nhiều nước trên thế giới. Với bưởi da xanh còn có ưu điểm múi tách dễ dàng, không bị sinh lớp màng khi ăn không bị đắng, ráo nước. Đặc biệt, bưởi là loại bỏ dày, dễ bảo quản, có thể vận chuyển bằng đường biển để đi các thị trường xa. Bên cạnh đó, nông sản trái cây nói chung và trái bưởi nói riêng thuộc nhóm sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do màViệt Nam là thành viên. Do đó, dư địa xuất khẩu tới nhiều thị trường của Việt Nam còn khá lớn.
Hiện nay, bưởi của Việt Nam vẫn đang chủ yếu xuất khẩu theo trái tươi. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ lâm vào tình trạng được mùa mất giá. Trong khi đó, bưởi có thể chế biến thành rất nhiều sản phẩm khác nhau như: tinh dầu bưởi, kẹo, mứt,... Thậm chí, trong vỏ bưởi cũng có Naringin – hợp chất tự nhiên với lợi ích dinh dưỡng tiềm năng.
Tuy nguồn lực là vậy, thế nhưng hiện nay những thông tin xuất khẩu bưởi còn khá hạn chế. Trong khi đó, Mỹ là một trong những thị trường rất khó tính. Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã cho phép nhậu khẩu bưởi từ Việt Nam. Bưởi da xanh sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam vào thị trường Mỹ, cùng với xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm thị trường Mỹ tiêu thụ lên tới 12 triệu tấn trái cây. Sản xuất trái cây tươi nội địa chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, còn lại 30%, tương đương 3,6 triệu tấn là nhập khẩu. Đây sẽ là dư địa và cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam, trong đó có bưởi.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần đánh giá đúng năng lực tiêu thụ của thị trường để có để đưa ra phương án xuất khẩu hiệu quả. Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston Hoa Kỳ cho biết: “Bưởi bên Hoa Kỳ thì rất đa dạng, có những loại thì ruột hồng, có loại vỏ vàng,…Trong đó mã 080540 các loại Bưởi (Tươi hoặc Khô), Hoa Kỳ đã nhập khẩu trong các năm 2020, 2021 và 7 tháng đầu năm 2022 lần lượt khoảng 17 tỷ USD, 20 tỷ USD và 14 tỷ USD, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng khá khiếm tốn”.
Cũng theo ông Quyền, phía Nam Hoa Kỳ là một vùng trồng được rất nhiều hoa quả Châu Á, kể cả gạo. Bưởi cũng đã được trồng ở đây từ lâu, tuy nhiên sẽ có màu, vị và kích thước khác với bưởi Việt Nam. Tuy nhiên chúng sẽ có những lợi thế vượt trội để cạnh tranh với hàng Việt Nam. Bởi khi nước sở tại sản xuất được thì họ sẽ được bán trong thị trường nội địa với những quy định lỏng lẻo hơn.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính gồm: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; Nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; Sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.