Tranh thủ 90 ngày ‘đình chiến’, doanh nghiệp Mỹ vội vã chất hàng Trung Quốc lên tàu, đưa ngay về nước

Ông Mark Barrocas, CEO SharkNinja. (Ảnh: SharkNinja).
Hành động khẩn trương
Khi Mỹ - Trung chuẩn bị kết thúc cuộc đàm phán thương mại tại Thụy Sỹ vào tối 11/5, CEO Mark Barrocas của công ty sản xuất đồ gia dụng SharkNinja liên tục kiểm tra tin tức trên mạng để tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy hai nước sẽ đạt được thỏa thuận.
Tới sáng ngày 12/5, tin tức ông hằng mong đợi đã đến. Mỹ đồng ý giảm mạnh thuế quan áp dụng với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30% trong vòng 90 ngày.
Ông Barrocas ngay lập tức chỉ đạo các nhà máy ở Trung Quốc xếp hàng hóa để chuyển sang Mỹ, bao gồm các máy pha cà phê và máy pha đồ uống đông lạnh.
Vị doanh nhân cho biết: “Chúng tôi có hàng trăm container sẵn sàng rời Trung Quốc ngay khi thuế quan mới có hiệu lực. Cuối cùng, chúng tôi đã có thể chất chúng lên thuyền”.
Các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đã bị mắc kẹt như vậy suốt nhiều tuần.
Sau khi Tổng thống Donald Trump tăng mạnh thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc vào tháng 4, các công ty đã phải chật vật nghĩ cách xoay xở để bù đắp khoản chi phí gia tăng này. Họ tìm đủ mọi phương án, từ tăng giá bán, giảm chi tiêu cho đến sa thải lao động.
Trong giai đoạn “đình chiến” 90 ngày, nhiều công ty nói với tờ Wall Street Journal (WSJ) rằng họ sẽ khẩn trương chất hàng hóa lên những con thuyền hướng đến Mỹ.
Bà Jennifer Burch, chủ công ty sản xuất phụ kiện mũ bảo hiểm Hightail Hair, bình luận về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung cuối tuần trước: “Đây chắc chắn là tin đáng hoan nghênh”.
Hightail có một lô hàng gần 4.000 phụ kiện mũ bảo hiểm đang chuẩn bị để rời Trung Quốc. Bà cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng chuyển những gì mình có tới Mỹ sớm nhất có thể”.
Chưa hết khó khăn
Nhiều doanh nghiệp lưu ý với WSJ rằng họ vẫn đang gặp khó khăn trong môi trường thuế quan cao. Các doanh nghiệp và hiệp thội thương mại cảnh báo giá cả trong mùa tựu trường và mua sắm cho dịp nghỉ lễ sẽ đắt đỏ hơn trước.
Cảng Los Angeles và những cảng lớn khác tại Mỹ không dự kiến lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng vọt. Một số doanh nhân nói rằng sự bất ổn của thuế quan khiến họ khó có thể vạch ra kế hoạch tương lai.
Ông Steve Greenspon, CEO công ty đồ gia dụng Honey-Can-Do International, đánh giá: "Bình thường, thuế quan 30% lên hàng hóa Trung Quốc sẽ là tin khủng khiếp. Nhưng khi so với mức 145% thì đó lại là thông tin tuyệt vời. Nhưng dù sao, mức 30% vẫn sẽ khiến giá cả trở nên đắt đỏ hơn còn lợi nhuận của doanh nghiệp thì giảm sút”.
Ông Gene Seroka, CEO Cảng Los Angeles, cho biết những công ty kiếm nhiều doanh thu từ mùa nghỉ lễ hoặc bán hàng hóa thiết yếu như sản phẩm y tế có thể tận dụng khoảng thời gian 90 ngày để tích trữ hàng hóa.
“Tuy nhiên, tủ lạnh, bộ bàn ghế ngoài trời, đồ dùng phổ biến với người tiêu dùng sẽ không lũ lượt tràn về Mỹ”, ông lưu ý.
Nhiều doanh nghiệp đã cố trữ hàng tồn kho từ đầu năm nay để tránh thuế quan cao. Đến khi ông Trump bắt đầu khởi động thương chiến với những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, các nhà nhập khẩu Mỹ đã vội hoãn hoặc hủy số đơn hàng trị giá hàng tỷ USD. Điều này có nguy cơ khiến họ thiếu hàng hóa trong mùa bán hàng cao điểm.
Bà Ellen Brin, CEO công ty may mặc CMCBrands, đã yêu cầu nhà cung cấp ở Trung Quốc để nguyên số quần áo thể thao và quần áo ngoài trời đủ để lấp đầy 2 container 40-foot tại nhà máy trong tháng qua. Giờ đây, bà định chất số hàng này lên đường đến Mỹ càng sớm càng tốt.
CMCBrands cũng yêu cầu nhà cung cấp lớn nhất ở Trung Quốc của họ bắt đầu sản xuất những đơn hàng bị tạm hoãn.
Tuy nhiên, bà Brin dự kiến số hàng hóa đó vẫn sẽ đến Mỹ chậm hơn bình thường. Bà cho biết: “Nếu thuế quan cao ngất giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài lâu thêm một chút nữa, chắc chắn công ty của tôi sẽ chịu thiệt hại”.
Không còn như cũ
Ông Scott Johnson, Giám đốc công ty sản xuất bút chì Musgrave Pencil ở Tennessee, suýt nữa đã gửi trả lại lô hàng thanh gỗ từ Trung Quốc - vật liệu để sản xuất phần thân của bút chì - nhưng kịp thời đổi ý khi Mỹ thông báo thỏa thuận tạm thời.
Dù vậy, tổng chi phí thuế quan của Musgrave đối với các thanh gỗ Trung Quốc vẫn lên đến gần 60%. Công ty này đang chuyển phần lớn hoạt động sản xuất thanh gỗ sang Việt Nam, bởi khi đó tổng các mức thuế quan họ phải chịu chỉ vào khoảng 13%. Ông Johnson không có ý định sẽ quay trở lại sản xuất tại Trung Quốc.
SharkNinja cũng ra quyết định tương tự. Khoảng 5 năm trước, công ty Mỹ này sản xuất hầu hết các mặt hàng tại Trung Quốc. Nhưng kể từ khi ông Trump giáng đòn vào hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên, SharkNinja đã chuyển hoạt động sản xuất sang những quốc gia châu Á khác, bao gồm Việt Nam, Campuchia và Indonesia.
Tới tháng 7 năm nay, gần 90% hàng hóa bán ở Mỹ của SharkNinja sẽ có xuất xứ bên ngoài Trung Quốc, CEO Barrocas cho hay.
SharkNinja đang tìm kiếm địa điểm tại Mỹ để sản xuất những hàng hóa không cần nhiều lao động, ví dụ như máy làm mát và một số loại máy hút bụi. Ông Barrocas chỉ ra: “Thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn để lại rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra sau khi giai đoạn tạm hoãn 90 ngày kết thúc?”