Nghị sĩ Mỹ ủng hộ giảm thuế với hàng Trung Quốc
Mỹ cân nhắc giảm thuế với hàng từ Trung Quốc, muốn Trung Quốc hành động tương tự
Ông Daleep Singh, Phó cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế cho biết đang cân nhắc biện pháp giảm thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cụ thể là nhóm hàng hóa không chiến lược nhưng có thể tạo ra “đòn bẩy đàm phán”.
“Động thái này nhằm xác định lại mục đích áp thuế cũng như thúc đẩy các ưu tiên chiến lược thực sự cho Mỹ", ông Singh chia sẻ tại một sự kiện do Ủy ban Bretton Woods có trụ sở tại Washington tổ chức.
Cụ thể, Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ giảm thuế đối với những mặt hàng không chiến lược như xe đạp, quần áo và đồ lót nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng vẫn duy trì mức thuế đối với các mặt hàng liên quan đến chuỗi cung ứng trọng yếu, các công nghệ nền tảng và có vai trò với an ninh quốc gia.
Phó cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ gợi ý rằng thỏa thuận có thể mang tính hai chiều, theo đó, Trung Quốc cũng nên tiến tới dỡ bỏ một số mức thuế phi chiến lược đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang trong lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi chiến lược zero-COVID.
Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hầu như vẫn giữ nguyên chính sách thương mại với Trung Quốc đã được áp dụng dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, bao gồm áp thuế với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài một số trường hợp miễn trừ có mục tiêu mà chính quyền Biden đã khôi phục vào tháng 3, việc cắt giảm thuế quan một cách chủ động, có chiến lược như ông Singh đề cập sẽ là nỗ lực quan trọng đầu tiên của Mỹ trong việc làm lắng dịu cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Nghị sĩ Mỹ: đã đến lúc thay đổi chính sách thương mại với Trung Quốc
Các nhà lập pháp Mỹ, từ cả hai đảng, đều ủng hộ biện pháp giảm thuế quan.
Tại cuộc điều trần của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai trước Hạ viện, nghị sĩ Chris Smith (đảng viên Đảng Cộng hòa ở New Jersey) cho biết: "Để ứng phó với các hành vi thương mại phi thị trường và không công bằng của Trung Quốc, Mỹ cần thường xuyên xem xét điều chỉnh lại thuế quan áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đảm bảo rằng chúng đang phục vụ mục đích ban đầu".
Bà Katherine Tai cũng đồng tình rằng đã đến lúc thay đổi chính sách thương mại với Trung Quốc khi nước này không có ý định thực hiện bất kỳ cải cách nào nhằm giải tỏa những quan ngại của Mỹ về các hoạt động thương mại không lành mạnh.
Cho đến nay, các cuộc đàm phán song phương để xúc tiến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 mà Bắc Kinh đã ký dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump vào năm 2020 vẫn đối diện nhiều khó khăn, bà Tai cho biết thêm.
Đại diện Thương mại Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Mỹ không nên "trông đợi Trung Quốc thay đổi", mà thay vào đó nên tìm cách tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia bằng cách đẩy mạnh sản xuất trong nước, đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng sạch và khuyến khích các công ty tìm kiếm nguồn hàng do Mỹ sản xuất.
Vị cố vấn kinh tế Mỹ Daleep Singh thì cho rằng cuộc chạy đua công nghệ và kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây không hoàn toàn tiêu cực vì khi “cuộc đua lên đỉnh” sẽ đồng thời thúc đẩy sự đổi mới, đầu tư công và nguồn lực lao động. Tuy nhiên, chắc chắn nó cũng sẽ dẫn đến những rạn nứt kinh tế, vị này nói thêm.