Trích lập dự phòng nghìn tỷ, Coteccons (CTD) báo lãi ròng năm 2022 thấp kỷ lục
Trích lập dự phòng nợ xấu hàng nghìn tỷ, lãi ròng cả năm thấp kỷ lục
Kết quả kinh doanh quý IV/2022 của CTD tăng trưởng mạnh mẽ so với mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 6.230 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần quý IV/2021. Lợi nhuận gộp đạt 172 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 3 tỷ đồng, biên lãi gộp 2,8%.
Doanh thu tài chính giảm 17% còn 70 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng gấp 6,3 lần lên hơn 59 tỷ đồng do lãi vay cao cộng với khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 24 tỷ đồng và khoản lỗ đầu tư chứng khoán gần 10 tỷ đồng. Chi phí doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức cao gần 183 tỷ đồng khiến CTD lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 7 tỷ đồng.
Lợi nhuận khác giảm 17% so với cùng kỳ xuống mức 34 tỷ đồng. Khoản mục này chủ yếu đến từ hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn thực tế phát sinh và hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình.
Kết quả, quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế của CTD đạt 18,8 tỷ đồng, tăng vọt so với mức lỗ 63 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, lũy kế cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 14.536 tỷ đồng, tăng 60,1% so với cùng kỳ 2021 nhưng lãi ròng giảm 14,1% còn 20,8 tỷ đồng - mức lãi ròng thấp nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả này của CTD ghi nhận thấp hơn nhiều so với con số gần 91 tỷ đồng lãi ròng năm 2022 của Ricons.
Nguyên nhân quan trọng khiến CTD báo lãi thấp như vậy là do doanh nghiệp trích lập dự phòng 1.049 tỷ đồng trên tổng số khoản phải thu ngắn hạn 11.231 tỷ đồng. Khoản dự phòng nợ xấu này chủ yếu cho khoản vay của Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh và CTCP Đầu tư Minh Việt - 1 trong những đối tác quen thuộc của CTD hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, cầu đường, kinh doanh Bất động sản và đầu tư, kinh doanh vật liệu xây dựng...
Năm 2022, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu kế hoạch đạt 15.010 tỷ đồng, thấp hơn 2.403 tỷ đồng so với 2021. Với kết quả trên, CTD đã hoàn thành 97% kế hoạch doanh thu cả năm.
Kết quả kinh doanh không thuận lợi của CTD cũng phần nào được phản ánh qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ, với dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cả năm 2022 của công ty lại ghi nhận âm 1.626 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước dương 421 tỷ). Theo CTD, nguyên nhân chủ yếu do tăng mạnh các khoản phải thu và tồn kho.
Thực tế, theo thông tin trong báo cáo tài chính, hàng tồn kho của CTD tính đến cuối năm 2022 đã tăng gấp đôi đầu năm lên 2.838 tỷ đồng. Chiếm đa số là chi phí cho các công trình dở dang với 2.885 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tới 70 tỷ đồng.
Đầu tư chứng khoán tạm lỗ gần 61 tỷ đồng
Thời điểm 31/12/2022, công ty ghi nhận khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn gần 2.100 tỷ đồng và khoản đầu tư trái phiếu gần 567 tỷ đồng. Bên cạnh đó, CTD còn dành gần 249 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Theo bản thuyết minh chi tiết, các khoản đầu tư lớn trong danh mục gồm chứng chỉ quỹ KIM GROWTH VN30 ETF (49,5 tỷ đồng), FPT (hơn 28 tỷ đồng) và MWG (gần 26 tỷ đồng). CTD trích lập dự phòng gần 61 tỷ tại ngày 31/12/2022 cho khoản đầu tư trên.
Cũng liên quan đến hoạt động đầu tư, ngày 19/5/2022, CTD đã chuyển nhượng thành công 69,98% cổ phần tại Phú Nhuận 168 với giá khoảng 183 tỷ đồng. Tiền lãi hơn 70 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng này được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính. Phú Nhuận 168 đã không còn là công ty con của CTD từ ngày này.
Ngày 7/6/2022, công ty hoàn thành việc tăng vốn góp tại CTCP CTD FutureImpact từ 4,4 tỷ đồng lên 14,6 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu được nâng lên 96,62%. Sau đó ít ngày, vào 13/6/2022, FutureImpact hoàn thành việc tăng vốn tại Công ty TNHH Solaresco-1 từ 2,9 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng.
CTD đối diện nhiều thách thức trong năm 2023
Theo báo cáo triển vọng ngành xây dựng của Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), năm 2023, các chuyên gia dự báo hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng (Coteccons, Hòa Bình, Ricons, Newtecons,...) dự báo vẫn ở mức thấp.
Hoạt động xây dựng các dự án văn phòng, trung tâm thương mại tương đối bền vững hơn nhờ sự hồi phục các hoạt động kinh tế sau đại dịch nhưng sẽ chỉ bù đắp một phần sự sụt giảm trong khối lượng thi công bởi quy mô thấp so với mảng nhà ở thương mại và thời gian hoàn thiện pháp lý, phát triển dự án thường kéo dài.
Bên cạnh đó, tình hình cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng dự báo vẫn gay gắt bởi nhu cầu xây dựng thấp nên các nhà thầu có áp lực nhận thầu bằng mọi giá để duy trì bộ máy.
Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án quy mô lớn (đại đô thị, khu phức hợp),… có xu hướng sử dụng dịch vụ của nhiều nhà thầu tại các phân khu, gói thầu khác nhau. Điều này giúp gia tăng cơ hội cho các nhà thầu tham gia vào các dự án quy mô lớn, nhưng vị thế đàm phán và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp dự kiến sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản gặp áp lực lớn từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp và việc bán hàng, chuyển nhượng dự án cũng gặp bất lợi. Vì vậy, chủ đầu tư có thể thiếu hụt về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho nhà thầu.
VCBS đánh giá khó khăn trong thu hồi công nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế tài chính và thanh khoản của các doanh nghiệp xây dựng khi phần lớn các nhà thầu phải sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động thi công.
Còn theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong báo cáo triển vọng doanh nghiệp cập nhật cuối tháng 12/2022, nhóm phân tích cho rằng CTD sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023 bởi 3 yếu tố chính. Thứ nhất, ngành bất động sản dân dụng gặp nhiều khó khăn và tình trạng này tiếp tục kéo dài trong năm nay. Thứ hai là tính cạnh tranh cao của ngành xây dựng. Cuối cùng, chất lượng các khoản phải thu của công ty cũng là vấn đề đáng lo ngại khi CTD liên tục phải trích lập các khoản nợ phải thu khó đòi.
Các chuyên gia KBSV ước tính giá trị backlog của công ty trong giai đoạn 2023 - 2026 đạt 18.000 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2016 - 2018. Điểm sáng đối với hoạt động của CTD là đầu tư công được đẩy mạnh trong năm 2023 khi các động lực tăng trưởng khác của năm 2023 suy yếu khiến đầu tư công quay trở lại làm điểm tựa.
Theo đó, KBSV dự phóng doanh thu ước tính năm 2023 của Coteccons đạt 12.342 tỷ đồng trong khi LNST của cổ đông công ty mẹ hồi phục đạt 28 tỷ đồng sau khi đã trích lập phần lớn các khoản phải thu trong năm 2022.