Triển vọng ngược chiều cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng trong quý I/2023
Doanh nghiệp chế biến chế tạo ảnh hưởng nặng nề bởi đơn hàng giảm, dự báo tình hình cải thiện vào quý I/2023
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, trong quý IV/2022, hai yếu tố ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp thay đổi rõ rệt nhất là “lãi suất vay vốn cao” và “nhu cầu thị trường quốc tế thấp”. Có 37,5% doanh nghiệp nhận định “lãi suất vay vốn cao” là yếu tố ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp trong quý IV/2022, trong khi quý III/2022 chỉ có 23,5% doanh nghiệp lựa chọn. Tương tự, yếu tố “nhu cầu thị trường quốc tế thấp”, quý IV/2022 có 32,6% doanh nghiệp lựa chọn, trong khi chỉ có 26,7% doanh nghiệp lựa chọn ở quý III/2022.
Cụ thể, về nhu cầu, theo kết quả khảo sát quý IV/2022, có 65,1% số doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý III/2022 (29,6% tăng, 35,5% giữ nguyên), giảm mạnh so với mức 74% doanh nghiệp của khảo sát hồi quý III. 34,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm, trong khi con số này trong khảo sát trước đó chỉ là 26%.
Ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng mới quý IV/2022 so với quý III/2022 tăng cao nhất với 47,3%. Ngược lại, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 50,9%.
Dù vậy, nhận định về triển vọng quý I/2023, 69,4% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (30,0% tăng, 39,4% giữ nguyên) và 30,6% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm, cải thiện tích cực so với quý IV/2022.
Nếu xét riêng đơn hàng xuất khẩu, con số trong khảo sát quý IV/2022 cũng cho thấy một bức tranh ảm đạm hơn khi có 60,8% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2022 tăng và giữ nguyên so với quý III/2022 (19,9% tăng, 40,9% giữ nguyên) và 39,2% doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm. Trong khi đó, tại khảo sát quý III, có tới 72,0% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên (26,9% tăng; 45,1% giữ nguyên) và chỉ có 28,0% nhận định giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2022 so với quý III/2022 tăng cao nhất với 30,2%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 64,1%.
Về triển vọng năm sau, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2023 khả quan hơn với 66,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2022 (24,0% tăng, 42,7% giữ nguyên), 33,3% doanh nghiệp dự báo giảm.
Trong bối cảnh triển vọng đơn hàng quý IV năm nay giảm, tình hình sử dụng lao động trong ngành cũng kém lạc quan hơn khảo sát của quý III.
Cụ thể, nhận định về lao động trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2022, có 11,1% doanh nghiệp cho rằng có 11,1% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động so với quý III/2022 tăng, 67,6% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 21,3% doanh nghiệp nhận định giảm. Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý IV/2022 so với quý III/2022 giảm nhiều nhất với 40,2%.
Trong khi đó, ở khảo sát quý III, có tới 14,4% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động tăng, 68,4% giữ nguyên và chỉ 17,2% nhận định giảm.
Dù vậy, dự báo sử dụng lao động sẽ khả quan hơn trong quý I/2023 so với quý IV/2022 với 82,4% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (12,5% tăng, 69,9% giữ nguyên) và 17,6% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.
Doanh nghiệp xây dựng: khó khăn có thể trầm trọng hơn trong quý I/2023
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý IV/2022 được nhận định khó khăn hơn quý III/2022.
Theo đó, chỉ có 25,6% số doanh nghiệp nhận định tốt, 34,7% số doanh nghiệp nhận định giữ ổn định, 39,7% số doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.
Dự báo quý I/2023 so với quý IV/2022, các doanh nghiệp xây dựng cho rằng bức tranh có thể còn ảm đạm hơn với 23,1% doanh nghiệp dự báo hoạt động thuận lợi, 34,8% nhận định giữ ổn định và có đến 42,1% dự báo khó khăn hơn.
Nhận định với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, công nghiệp là một trong những ngành quan trọng và đặc biệt đối với nước ta.
“Năm nay có hai điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, công nghiệp chế tạo không được tỷ trọng như mong muốn. Thứ hai, cuối năm nay, ngành công nghiệp nhẹ, dệt may, da giày bị thu hẹp đơn hàng. Do đó, báo hiệu năm sau có rất nhiều khó khăn liên quan đến các hạ tầng tiêu thụ và tạo việc làm cho người lao động. Khả năng cải thiện tình hình tăng trưởng cho ngành còn phải phụ thuộc cả vào tình hình kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, trong nước vẫn có đà tăng trưởng riêng và vẫn đang tăng trưởng nhưng đang chậm dần.” - chia sẻ từ ông Phong.
Về triển vọng ngành trong năm 2023, chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc mở cửa mạnh hơn như mở lại cánh cổng lớn về giao thương cho nước ta. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang các nước châu Âu và Mỹ sẽ không có nhiều sự đột biến, thậm chí còn thu hẹp lại.