Triết lý dùng người của doanh nhân Nguyễn Xuân Quang – người lập ra “đế chế” Nam Long
Chàng kiến trúc sư tạo nên "đế chế" Nam Long
Ông Nguyễn Xuân Quang sinh ngày 20/5/1960 tại Bình Thuận trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, ông dự định sẽ học tiếp để lấy bằng tiến sĩ.
Sau đó, ông làm việc tại Phân viện Quy hoạch phía Nam thuộc Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước với mong muốn được đi nước ngoài tu nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, ông nhận ra không có cơ hội thực hiện ước mơ nâng cao học vấn và nhất là những tác phẩm tâm huyết của kiến trúc sư khó thành hiện thực, ông quyết định rẽ ngang.
Ông lập đơn vị thầu phụ, chuyên đi thầu lại cho các doanh nghiệp lớn của Nhà nước như xây lắp nội thương, xây lắp ngoại thương, xây lắp công nghiệp và nông nghiệp thực phẩm...
Năm 1992, Nguyễn Xuân Quang thành lập Công ty TNHH Nam Long, thuộc thế hệ những doanh nghiệp quốc doanh đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
Năm 1996, Nam Long định hướng trở thành công ty đầu tư phát triển khu đô thị. Những năm tiếp theo, ông Quang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh với một loạt khu dân cư mang thương hiệu Nam Long House. Tiếp tục mở rộng đầu tư phát triển bất động sản sang các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu – Đồng Nai… với quy mô ngày càng vững mạnh và rộng lớn.
Năm 2005, Công ty TNHH Nam Long chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long với vốn điều lệ gấp 78 lần so với lúc mới thành lập. 3 năm sau, Nam Long nhận góp vốn của 2 cổ đông chiến lược là Công ty Nam Việt (100% vốn nước ngoài) và quỹ ASPL (thuộc tập đoàn Ireka – Malaysia).
Năm 2013 Nam Long chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với mã chứng khoán là NLG vốn điều lệ 955 tỷ đồng.
Đi con đường riêng và làm nên tên tuổi
Điều khiến Nam Long khác biệt với nhiều công ty bất động sản ở chỗ, trong lúc nhiều công ty khác chỉ bán đất thì Nam Long bán nhà với các dự án nhà phố và biệt thự như Nam Phú, Thảo Nguyên Sài Gòn, Kim Long, Ngân Long, Nam Thông. Với loạt dự án đó, ông Quang đã đưa doanh nghiệp thành danh với thương hiệu "Nhà Nam Long”.
Tiếp tục tìm kiếm con đường riêng của mình, trong khi cả thị trường đang tập trung phát triển dòng sản phẩm căn hộ cao cấp, Nam Long tung ra dòng sản phẩm căn hộ giá rẻ EHome 1 với giá 10 triệu đồng/m2. Khi đó, nhiều người nghi ngại về dòng sản phẩm này của Nam Long.
Tuy nhiên, một thời gian sau, thị trường bất động sản gặp khó khăn, dòng sản phẩm cao cấp bị “thất sủng”, căn hộ giá mềm bắt đầu lên ngôi. Những dự án EHome liên tiếp được tung ra, người ta bắt đầu chú ý nhiều đến Nam Long. Giai đoạn từ năm 2007-2011, đã có 1.000 căn hộ EHome được Nam Long bàn giao cho khách hàng.
Cũng trong thời gian này, công ty của ông Quang liên tục tăng vốn điều lệ với sự hợp tác của các cổ đông chiến lược là các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Nam Long ký kết hợp tác với hai đối tác chiến lược là Công ty Nam Việt (100% vốn của Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs) và Quỹ ASPL (thuộc tập đoàn phát triển bất động sản Ireka của Malaysia) năm 2008; đến năm 2010, Năm Long tiếp tục chào đón cổ đông chiến lược Mekong Capital; năm 2014, 3 quỹ đầu tư nước ngoài IFC thuộc World Bank, Quỹ đầu tư Bridger Capital, Quỹ Probus Asia trở thành cổ đông mới của Nam Long; năm 2015, Keppel Land trở thành cổ đông chiến lược.
Bên cạnh đó, giai đoạn năm 2015 - 2020, Nam Long còn hợp tác với hai đối tác Nhật Bản là tập đoàn Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad để phát triển các dự án chiến lược như: dự án Fuji Residence; dự án Kykio Residence; dự án Mizuki Park; dự án KĐT Akaki City; dự án Izumi City.
Ngoài ra, Nam Long còn đẩy mạnh việc mở rộng các quỹ đất, phát triển các đại đô thị có quy mô lớn với đầy đủ tiện ích; gia tăng 236 ha quỹ đất sạch: Nam Long Hải Phòng (21ha), Izumi City (170ha), Nam Long Đại Phước (45ha).
Sau 29 năm hình thành và phát triển, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang, Công ty đang có 20 công ty con với 739 nhân viên và tổng tài sản 13.643 tỷ đồng.
Hiện tại, Nam Long có khoảng 681ha quỹ đất sạch (gồm 9 dự án ở TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng). Theo ông Quang, công ty đã phải chuẩn bị 10 năm để có quỹ đất sạch này, nghĩa là đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch… để sẵn sàng cho sự phát triển cho 10 năm tiếp theo.
Cuộc cách mạng về con người
Ông Quang đã dẫn dắt Nam Long từ công ty chỉ có bảy người thành một tập đoàn lớn với hàng nghìn người. Ông cho biết Nam Long đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi mời nhân sự nước ngoài về.
Theo ông Quang, những doanh nghiệp đi lên từ khởi nghiệp khi phát triển đến một giai đoạn nhất định sẽ có phần đi vào lối mòn, bởi bộ máy nhân sự “đóng đinh” vào thói quen cố hữu. Do vậy, cần phải thay đổi, để những luồng gió mới từ bên ngoài tạo động lực thúc đẩy công ty.
Đứng trước những lãnh đạo với phong cách làm việc mới lạ, khác biệt, tất nhiên cần có thời gian để người cũ hòa hợp. Chúng tôi đã mất năm năm để giải quyết chuyện này và ở thời điểm hiện tại, tôi có thể nói rằng, nhân sự nước ngoài về với Nam Long đã có môi trường thuận lợi hơn nhiều, ông Quang cho biết.
Tuy nhiên, cái khó của việc điều hành doanh nghiệp không chỉ là quản trị công ty, mà còn là xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, cụ thể vấn đề mà Nam Long đang phải đối mặt và cần liên tục cải thiện là hình thành “văn hóa hợp tác”.
Sau quá trình thực hiện, thử nghiệm, ông Quang quyết định lựa chọn kiện toàn tổ chức với ba giá trị nền tảng: Tính chuyên nghiệp (Professionalism), Cam kết (Integrity) và Tự chủ (Ownership). Nét văn hóa này sẽ giúp môi trường nội bộ công ty trở nên chuyên nghiệp, trách nhiệm hơn. Đây là nền tảng cho sự phát triển vững bền.
Ông Quang cho biết, điều quý nhất là: dù trải qua nhiều sóng gió, bảy cộng sự từ ngày thành lập công ty vẫn sát cánh với ông đến bây giờ.
Nam Long đã phát triển từ một công ty gia đình, thành công ty cổ phần, công ty đại chúng và công ty niêm yết. Từ nhà thầu xây dựng thuần túy trở thành nhà phát triển bất động sản chuyên về nhà ở, nhà phát triển khu đô thị.
Điều đặc biệt Nam Long có những thành viên Hội đồng quản trị độc lập, đồng hành vì họ tin tưởng và yêu quý Công ty mặc dù đang nắm giữ và điều hành nhiều tổ chức, tập đoàn lớn như ông Chad Ryan Ovel – Tổng giám đốc Quỹ Mekong Capital; ông Lai Voon Hon – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Ireka – Malaysia; ông Nghian Siew Siong từng là Giám đốc điều hành Tập đoàn bất động sản Sunway – Malaysia hay Ziang Tony Ngo, Thạc sĩ Đại học Havard với 15 năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính của Mỹ.