Trong nửa năm, gần 800 vụ lừa đảo qua điện thoại với hàng nghìn tỷ đồng
Lừa đảo qua điện thoại là hình thức lừa đảo đã có từ lâu. Với sự phát triển của công nghệ, hình thức lừa và cách lừa cũng ngày càng được nâng cấp khó lường. Mới đây Bộ Công an vừa đưa ra thống kê về vấn đề này.
Theo thống kê mới của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc đã tiếp nhận trình báo và đơn tố giác tội phạm của 776 vụ liên quan tới lừa đảo qua điện thoại. Tổng số tiền lừa đảo lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Vấn nạn lừa đảo qua điện thoại đã tồn tại từ lâu và gây nhức nhối. Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm ngày càng đa dạng và tinh vi.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, các vụ lừa đảo tập trung nhiều nhất tại hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, chỉ riêng phòng cảnh sát hình sự công an thành phố đã tiếp nhận đơn trình báo của gần 100 nạn nhân. Đáng lưu ý nhất gần đây là một trường hợp bị lừa đảo số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Trong nửa đầu 2020 nước ta có gần 800 vụ lừa đảo qua điện thoại hoặc không gian mạng, nhưng đó mới chỉ là số vụ được tố giác
Kể về trường hợp này, thiếu tá Bùi Quang Tùng, Phòng cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội cho biết người phụ nữ nạn nhân bị gửi hình ảnh đe dọa, khủng bố điện thoại liên tục. Bên lừa đảo ép nạn nhân phải ra ngân hàng rút hết tất cả tiền gửi tiết kiệm ở các ngân hàng khác nhau chuyển khoản cho chúng.
Thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại hiện nay rất đa dạng. Nổi lên gần đây là phương thức giả danh, mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Bưu điện... Các trường hợp này chiếm tỷ lệ trên 65% số vụ lừa đảo trong nửa năm qua. Cơ quan công an cũng cho biết các đường dây lừa đảo qua điện thoại có không ít là đường dây xuyên quốc gia. Chúng có nhiều chân rết hoạt động độc lập nên khi nhóm này bị bắt, nhóm khác vẫn không bị ảnh hưởng.
Các đối tượng này tinh vi ở chỗ biết sử dụng công nghệ cao để tạo ra số điện thoại ẩn danh giống hệt hoặc gần giống số điện thoại công khai của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án,... để gọi điện cho bị hại. Chúng đóng giả cơ quan chức năng thông báo họ đang bị kiện hoặc có liên quan đến vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh hay có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân,...
Tội phạm ngày nay biết ứng dụng công nghệ cao để tạo vỏ bọc hoàn hảo hơn
Vì tâm lý lo sợ, nạn nhân sẽ dễ bị lừa và điều khiển. Đối tượng lừa đảo tiếp đó yêu cầu bị hại kê khai tài sản, có thể gồm cả tiền mặt và tiền gửi trong ngân hàng. Các đối tượng yêu cầu họ chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra hoặc giúp “chạy tội”.
Ngoài ra, còn có một đặc điểm khác của các đối tượng lừa đảo mà người dân có thể để ý để nhận biết. Đó là chúng sẽ yêu cầu người bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho người khác, và việc chuyển tiền phải thực hiện trong thời gian ngắn. Như vậy thì bị hại sẽ không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin hay trình báo cho cơ quan công an được biết.
Nạn nhân của các đối tượng lừa đảo này chiếm phần lớn là phụ nữ và người già trên 60 tuổi. Nhưng cá biệt còn có trường hợp nạn nhân lại là cán bộ của các cơ quan Nhà nước. Có không ít bị hại không có khuất tất, sai phạm nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của dân lừa đảo mà vẫn lo lắng, thiếu tỉnh táo dẫn đến bị lợi dụng lừa tiền.
Bộ Công an nêu rõ rằng mọi cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều bắt buộc phải có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến tận nơi. Cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án,... tuyệt đối không được làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Kim Chi